Điều đáng nói là, những thiết bị vũ khí này đã lọt vào tay lực lượng Taliban tại Afghanistan và các chiến binh Taliban ở Pakistan (TTP).

Theo tờ India Today, năm 2015, Pakistan tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn còn tiếp diễn 8 năm sau đó, khi ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, đất nước Pakistan chứng kiến 44 cuộc tấn công của TTP, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Đáng kể nhất là vụ đánh bom liều chết tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar làm hơn 100 người thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân là nhân viên cảnh sát đang trong giờ cầu nguyện buổi chiều. Quân đội Pakistan đã phát động một chiến dịch mới nhằm trấn áp các tay súng Taliban ở những khu vực giáp biên giới với Afghanistan.

leftcenterrightdel

Các chiến binh Taliban sử dụng vũ khí, thiết bị và đồng phục của Mỹ kiểm tra thiết bị quân sự bị bỏ lại tại Sân bay quốc tế Kabul. Ảnh: Getty Images 

Các cuộc điều tra cho thấy, những vũ khí tinh vi mà lực lượng chức năng Pakistan thu được từ các chiến binh TTP đều có xuất xứ từ Mỹ, chúng nằm trong số những thiết bị quân sự Mỹ và NATO bỏ lại Afghanistan. Những vũ khí này được mua bán phổ biến trên thị trường chợ đen, với nguồn cung từ chính các binh sĩ của quân đội quốc gia Afghanistan-lực lượng đã sụp đổ sau khi thủ đô Kabul thất thủ vào tay Taliban.

Trong khoảng thời gian 2005-2021, Mỹ đã cung cấp tổng cộng lượng thiết bị quân sự trị giá 18,6 tỷ USD cho quân đội Afghanistan. Trong số đó, một lượng lớn thiết bị quân sự trị giá hơn 7,1 tỷ USD đã rơi vào tay Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền tại quốc gia Nam Á, trang NBC News dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 8 năm ngoái.

Cho dù Lầu Năm Góc tuyên bố đã phá hủy phần lớn trang bị vũ khí tại Afghanistan trước khi rút quân, song nhiều tháng sau đó, hàng loạt vũ khí mà quân đội Ấn Độ và Pakistan thu hồi được từ các chiến binh Taliban được xác định là vũ khí do Mỹ để lại, trong đó có vũ khí công nghệ cao và các thiết bị nhìn ban đêm...

Trên thực tế, các chiến binh TTP đã phát hành nhiều video về quá trình huấn luyện của họ với vũ khí của Mỹ như súng bắn tỉa M4, M16 và M24 có ống ngắm tầm nhiệt. Các chiến binh thuộc lực lượng ly khai ở khu vực Kashmir cũng sử dụng những loại vũ khí này để chống lại lực lượng vũ trang Ấn Độ. Cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước và là nguồn cơn cho những căng thẳng thường xuyên giữa các cường quốc hạt nhân Ấn Độ và Pakistan. 

Theo nhà phân tích quân sự Mỹ Jonathan Schroden, mặc dù vũ khí do Mỹ sản xuất không có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc xung đột Kashmir, nhưng chúng mang lại cho Taliban cũng như các lực lượng chiến binh khác nguồn sức mạnh quân sự khá lớn, tạo nên thách thức không nhỏ, thậm chí có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối với chính quyền các nước ở khu vực Nam Á trong nhiều năm tới.

Schroden nhận định, mặc dù chưa có báo cáo chính thức nào về vũ khí do Mỹ bỏ lại ở Afghanistan xuất hiện bên ngoài Kashmir, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu cuối cùng chúng bắt đầu xuất hiện ở những nơi xa hơn như Yemen, Syria và khu vực châu Phi, trong bối cảnh mạng lưới của các tay trùm buôn lậu vũ khí thế giới đang không ngừng vươn những chiếc vòi bạch tuộc tới bất cứ nơi nào chúng đánh hơi thấy những món lợi nhuận khổng lồ. Còn theo Ahmad Shuja Jamal, một cựu công chức Afghanistan sống lưu vong ở Australia, chiến thắng của Taliban ở Afghanistan-được hỗ trợ bởi nạn buôn lậu tràn lan vũ khí viện trợ của Mỹ và NATO-sẽ là nguồn cổ vũ cho các chiến binh cực đoan ở Kashmir và các khu vực khác một khi họ “nhìn thấy rõ ràng lợi tức chính trị của bạo lực lâu dài”.

HÀ PHƯƠNG