Theo Politico, bất đồng giữa Paris và Berlin một phần bắt nguồn từ đạo luật cấm hoàn toàn việc sản xuất và phân phối xe ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu trên lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên EU đã thông qua luật yêu cầu các xe bán trên thị trường EU đến năm 2035 không phát thải khí CO2, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của khối. Lệnh cấm dự kiến sẽ sớm được các quốc gia thành viên chính thức ban hành thành luật.

Thế nhưng, trục trặc lại diễn ra vào phút chót khi Đức phản đối việc thông qua luật này. Berlin muốn ô tô mới với động cơ đốt trong nhưng chạy bằng nhiên liệu điện tử (một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch có lợi cho ngành công nghiệp ô tô của Đức) vẫn được cho phép bán trên thị trường sau khi luật này có hiệu lực. Dù rằng trước đó, yêu cầu của Đức đã hai lần bị từ chối tại EP. Các nước thành viên EU không ủng hộ kẽ hở có liên quan tới nhiên liệu điện tử trong các cuộc đàm phán kéo dài về dự thảo luật hồi năm ngoái.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: DW

Hành động làm chậm tiến độ ban hành luật của Đức đã gây thất vọng cho Pháp, thổi bùng những mâu thuẫn giữa hai quốc gia được coi là đầu tàu châu Âu. Paris chẳng những chỉ trích mạnh mẽ Berlin, mà còn cố gắng thúc đẩy hồi sinh năng lượng hạt nhân-điều mà Berlin lâu nay vẫn ngăn cản.

Sau thảm họa Fukushima vào năm 2011, Đức ngày càng tỏ rõ đối lập với Pháp về vấn đề năng lượng hạt nhân. Những tháng gần đây, sự đối đầu đã chuyển biến theo hướng trực diện hơn. Berlin chặn nhiều dự luật lớn về vấn đề năng lượng hạt nhân ở Brussels (Bỉ).

Đơn cử như việc Pháp muốn đưa một tài liệu tham khảo vào các kết luận của Hội nghị thượng đỉnh EU (diễn ra ngày 23 và 24-3) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với quá trình trung hòa carbon trong các ngành công nghiệp EU. Tuy nhiên, điều này ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Đức. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz lâu nay vẫn cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân và các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn sót lại tại quốc gia này dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào tháng tới.

Đức trước đây cũng từng gây áp lực lên EC để hạ thấp vai trò của năng lượng hạt nhân theo Đạo luật Công nghiệp Net-Zero. Các nhà phân tích nhìn nhận, điều này đối với Pháp chẳng khác gì giội gáo nước lạnh vào những nỗ lực của Paris trong suốt thời gian qua.

Do sức ép từ cuộc khủng hoảng năng lượng, nhất là sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, nhiều quốc gia châu Âu đã chọn những hướng đi khác nhau để “giải cơn khát” năng lượng càng sớm càng tốt. Từ đây cũng xuất hiện những bất đồng quan điểm về phát triển năng lượng thế nào được coi là sạch cho tương lai. Pháp chọn tái sinh các nhà máy năng lượng hạt nhân và mong muốn nguồn năng lượng này sẽ được trao vai trò lớn hơn trong các mục tiêu năng lượng tái tạo của EU. Thế nhưng, nhiều nước khác lại lo ngại về những tác động lâu dài của việc lưu trữ chất thải hạt nhân. Đức và Tây Ban Nha cho rằng, không nên đặt điện hạt nhân ngang hàng các nguồn năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời.

Xung đột tại Ukraine kéo dài, với những hệ lụy về an ninh lẫn chính trị, kinh tế đè nặng lên EU, khiến cả Berlin và Paris dần lộ ra những điểm trái ngược, không chỉ ở chính sách năng lượng mà còn ở tầm nhìn về an ninh chung. Đức không che giấu sự thờ ơ đối với chiến lược phòng thủ chung châu Âu mà Pháp là một trong những quốc gia ở tuyến đầu. Đức chọn mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và trong ngân sách khổng lồ hơn 100 tỷ USD hiện đại hóa quân đội, Berlin rất ít đả động đến những chương trình phát triển trang thiết bị, vũ khí chung với Pháp, với các đối tác châu Âu. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Paris về một chính sách phòng thủ chung. Một nhà ngoại giao châu Âu đã bình luận trên báo Le Figaro (Pháp) rằng: “Chỉ cần tinh ý một chút sẽ thấy có nhiều điểm nhức nhối giữa hai đối tác châu Âu này”. 

Nên nhớ Đức và Pháp là hai nước lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong EU. Những bất đồng này lại lộ ra vào thời điểm EU cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Theo tờ DW (Đức), không có quốc gia châu Âu nào đủ lớn để tự mình bảo đảm ổn định chính trị và EU cần sự đồng thuận cơ bản giữa Pháp và Đức để giải quyết các vấn đề chung của khối. Vì thế, bộ đôi đoàn kết Pháp-Đức là không thể thiếu để giúp EU vững vàng vượt qua những thách thức hiện tại.

NGỌC HÂN