Đối với chính quyền Thủ tướng Boris Johnson, việc đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trên diện rộng trong năm đầu tiên sau Brexit, ở góc độ nào đó, lại giúp ông khỏa lấp nguyên nhân dẫn đến bức tranh thực tại u ám của nền kinh tế Anh là do Brexit hay do Covid-19.
Nhưng các nhà kinh tế học đều có chung quan điểm: Tác động kinh tế dài hạn từ Brexit lớn hơn nhiều so với đại dịch.
Trong lĩnh vực thương mại, việc thay thế tất cả quy định của Liên minh châu Âu (EU) thoạt nhìn tưởng dễ thực hiện, song thực tế, đó là một quy trình phức tạp và tốn kém cho các doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí để các công ty thay nhãn hiệu EU bằng nhãn hiệu của Anh đã ngốn khá nhiều tiền của doanh nghiệp.
 |
Ngành đánh cá của Anh ước tính thiệt hại 1 triệu bảng Anh/ngày do sự chậm trễ trong việc xử lý thủ tục xuất khẩu mới. Ảnh: Euractive |
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Anh quý III-2021 giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo đà suy giảm xuất khẩu còn kéo dài đến 2024. Xuất khẩu thực phẩm và đồ uống cũng giảm 2,7 tỷ bảng Anh (-15,9%) so với mức trước đại dịch. Nguyên nhân chính là doanh số bán hàng sang EU giảm do các rào cản mới trong giao dịch thương mại giữa Anh với EU.
Thống kê của một cơ quan dự báo độc lập thuộc Bộ Tài chính Anh cho hay, năm 2021, Brexit làm giảm 4% GDP của Anh (tương đương 80 tỷ bảng Anh), so với mức giảm 1,5% do đại dịch gây ra. Còn theo tổ chức King’s Think Tank của King’s College London, Brexit đã để lại vết sẹo vĩnh viễn cho nền kinh tế Anh, gây tổn hại đến đầu tư và thương mại của nước này.
Hai khu vực chịu tác động rõ nét nhất sau một năm Anh rời EU chính là nông nghiệp và ngư nghiệp. Theo Jane Sandell, chủ công ty sở hữu đội tàu đánh cá lớn nhất nước Anh Kirkella, hoạt động đánh bắt cá xa bờ của ngành ngư nghiệp Anh bị tổn hại nặng nề do phải chịu điều chỉnh bởi các hạn ngạch quốc tế.
Như đối với mặt hàng cá tuyết Bắc Cực, khi không còn là thành viên EU, hạn ngạch cấp phép cho Anh sau những thỏa thuận đạt được với EU và Na Uy chỉ là 500 tấn, một con số quá khiêm tốn so với công suất 10.000 tấn của ngành ngư nghiệp nước này. Kirkella dự kiến sẽ buộc phải giảm 50% công suất của đội tàu đánh cá trong năm 2022.
Trong nông nghiệp, xuất khẩu nông sản 2021 giảm 16% so với 2019. Năm 2021, nhiều ngành nghề của Anh đối diện với khủng hoảng nhân lực. Ngành nông nghiệp thu hút 500.000 nhân công làm việc trực tiếp; 97.000 người làm nghề chế biến thịt, thì có đến 2/3 trong số đó là công dân EU.
Brexit làm người lao động từ EU gặp khó khăn trong việc xin thị thực vào Anh, khiến ngành chăn nuôi thiếu công nhân lò mổ, chủ trang trại không tìm được nhân công thu hoạch mùa vụ, ngành vận tải thiếu trầm trọng tài xế xe tải... dẫn đến hàng loạt hệ lụy mà rốt cục chính người tiêu dùng Anh phải gánh chịu.
Trong lĩnh vực chính trị-quân sự, ảnh hưởng và sức mạnh của Anh đối với khu vực châu Âu cũng phần nào bị suy yếu. Theo Charles Grant, Giám đốc Trung tâm cải cách châu Âu, “Anh thiếu thông tin tình báo về những gì đang xảy ra ở EU vì không còn kết nối thường xuyên với khu vực này... cũng không thể tác động đến những gì đang diễn ra ở EU bởi không còn trong liên minh”. Đối với những người tị nạn từ các quốc gia như Afghanistan, Iran, Iraq thì việc Anh rời EU đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn, đơn giản vì trong quá trình vượt biển đến Anh, nếu họ bị bắt, nhà chức trách Anh sẽ không thể buộc họ quay trở lại các nước châu Âu nơi họ xuất phát.
Anh vốn nổi tiếng với nền giáo dục chất lượng cao hàng đầu thế giới, thu hút một lượng lớn các du học sinh toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ khi rời EU, các quy định phức tạp về hộ chiếu, thị thực và nhập cư đã góp phần làm sụt giảm ở mức độ chưa từng có số lượng du học sinh từ châu Âu, cũng như số lượng khách du lịch đến quốc gia này.
Thay vào đó, nền giáo dục Ireland và Hà Lan đang được hưởng lợi khi du học sinh chuyển hướng đến các nước này. Sự sụt giảm lượng du học sinh đương nhiên tước đi thu nhập của các gia đình bản xứ cũng như làm giảm nguồn thu của các địa điểm du lịch ở Anh.
Monique Tissot Martel, tổng giám đốc Eurovoyages, một công ty du học lớn của Pháp cho hay, năm 2019 công ty này đã gửi hơn 11.000 sinh viên đến Anh du học. Năm 2022, con số này dự báo chỉ còn dưới 100. Còn công ty CTS Reisen của Peter Adam ở Lemgo, Đức năm 2019 đã gửi hơn 37.000 học sinh đến Anh, song đến nay chưa có bất kỳ ai đặt chỗ cho năm 2022.
Theo Adam, trở ngại lớn nhất là hộ chiếu EU không còn giá trị để vào Anh, và họ phải lựa chọn Amsterdam hoặc Copenhagen làm điểm đến thay thế.
Trong cuộc thăm dò dư luận hồi cuối tháng 12-2021 do The Guardian thực hiện, hơn 60% người dân Anh cho rằng Brexit đã diễn ra tồi tệ hơn họ tưởng tượng. 42% những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit năm 2016 có quan điểm tiêu cực về một năm hậu Brexit.
Năm 2022, dự báo kinh tế Anh chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm khi giao dịch thương mại cũng như niềm tin của người dân Anh vẫn trên đà suy giảm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và chính quyền Thủ tướng Johnson đang chìm trong hàng loạt bê bối.
HÀ PHƯƠNG