Ngày 1-1-2021, Anh và EU đã kết thúc quá trình chuyển tiếp Brexit kéo dài 11 tháng và chính thức “ly hôn”, nói đúng hơn là chính thức trở thành hai thực thể riêng biệt. Theo tờ The Daily Mail, trong khoảng thời gian vài ngày sau đó, một số người Anh cư trú tại Tây Ban Nha cho biết họ bị cấm lên các chuyến bay tới các thành phố Barcelona và Madrid của Tây Ban Nha, với lý do giấy tờ tùy thân của họ không còn giá trị sau khi Anh rời khỏi EU. Đại sứ quán Anh tại Tây Ban Nha cũng cho biết họ đã nhận được những lời than phiền liên quan tới thủ tục đi lại hậu Brexit từ các công dân xứ sở sương mù, đồng thời khẳng định: “Lẽ ra điều này không được xảy ra”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha thông báo, chỉ rất ít du khách bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tương tự và sự cố sẽ sớm được xử lý, việc di chuyển bằng đường hàng không giữa Anh và Tây Ban Nha sẽ sớm trở lại bình thường.

 Các công dân Anh làm thủ tục lên máy bay tới Tây Ban Nha tại sân bay Heathrow ở London vào ngày 2-1-2021. Ảnh: Daily Mail

Điều đáng nói, những vụ việc trên xảy ra dù chính phủ cả hai nước Anh và Tây Ban Nha đã thống nhất rằng, căn cước quốc tịch nước ngoài (NIE)-vốn được cấp trước khi diễn ra quá trình Brexit, và thẻ căn cước nước ngoài mới (TIE) vẫn có hiệu lực sử dụng để đi lại giữa hai nước sau khi London rời mái nhà chung châu Âu.

Năm ngoái, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo rằng, sau khi Anh chính thức rút khỏi EU, các công dân của xứ sở sương mù sống tại Tây Ban Nha sẽ được cấp một loại căn cước (ID) mới thay thế cho cho giấy tờ cư trú do các nước EU cấp trước đây. Theo thống kê, hiện có khoảng 300.000 người Anh đang sinh sống tại Tây Ban Nha và trong đó đã có hàng chục nghìn người đăng ký cấp căn cước mới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người phải chờ đợi nhận căn cước mới do hệ thống bị quá tải. Thế nên mới xảy ra chuyện nhiều người đặt vé, đến sân bay rồi đành ngậm ngùi ra về vì giấy tờ cũ không được chấp nhận.

Trên thực tế, đó chỉ là một trong nhiều thay đổi có thể nảy sinh ở thời kỳ hậu Brexit. Và những thay đổi này chỉ được cảm nhận một cách rõ ràng hơn từ ngày 1-1-2021, khi thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU bắt đầu có hiệu lực. Chẳng hạn, theo thỏa thuận này, các công dân Anh đã là cư dân hợp pháp tại EU sẽ được hưởng các quyền tương tự như trước đây, và điều này cũng được áp dụng với các công dân EU đang sinh sống tại Anh. Tuy nhiên, đối với những người muốn thay đổi nơi cư trú sau ngày 1-1-2021 thì mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Cụ thể, các công dân Anh sẽ không còn được mặc nhiên sống và làm việc tại EU và ngược lại, những người châu Âu muốn đến xứ sở sương mù cũng phải đối mặt với một chính sách nhập cư khắt khe hơn nhiều. Kể từ tháng 10-2021 trở đi, người châu Âu khi vào Anh sẽ phải xuất trình hộ chiếu và nếu muốn lưu trú tại Anh trên 3 tháng, họ bắt buộc phải xin cấp thị thực nhập cảnh.

Bên cạnh đó, bước vào thời kỳ hậu Brexit, còn rất nhiều những thay đổi sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, nhập cư cho đến y tế, giáo dục, việc làm...mà người dân Anh cũng như các quốc gia thuộc EU sẽ phải dần thích nghi trong thời gian tới.

Những rắc rối nảy sinh từ việc Anh rời khỏi EU có lẽ sẽ còn xuất hiện nhiều trong đời sống ở Anh và cả châu Âu, và một trong những thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo hai bên đó là làm sao để hóa giải những vấn đề ấy trong thời gian sớm nhất.

ANH VŨ