Chảo lửa Trung Đông trải qua một năm kịch phát bạo lực với tâm điểm vẫn là cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Thời điểm căng thẳng nhất là hồi tháng 6 khiI-xra-en leo thang quân sự ở Dải Ga-da nhằm giải cứu một binh sĩ I-xra-en bị các nhóm du kích Pa-le-xtin bắt cóc, khiến gần 400 người Pa-le-xtin thiệt mạng.
Cuộc xung đột này đã vượt quá tầm kiểm soát và lan rộng sang nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến giữa I-xra-en và lực lượng Héc-bô-la ở Li-băng kéo dài 34 ngày đêm, cướp đi sinh mạng của khoảng 1200 người Li-băng và 157 người I-xra-en. Cuộc chiến cùng lúc trên hai mặt trận của I-xra-en đã đẩy khu vực vào thời kỳ đen tối nhất của năm, đã có lúc dư luận lo lắng về nguy cơ cuộc chiến lan rộng hơn nữa ở khu vực.
Lò lửa Trung Đông tăng nhiệt vì những giải pháp chính trị được hy vọng là “liều thuốc” giúp hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Đông đều là những giải pháp khó thực hiện nhất. Một trong những giải pháp đó là một chính phủ Pa-le-xtin đoàn kết, có đủ sức mạnh kiểm soát an ninh, ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa sang I-xra-en, vốn là nguyên nhân gây xung đột hai bên. Song hy vọng này đã tắt ngấm khi các cuộc thương lượng giữa phong trào Fatah và Hamas về thành lập chính phủ liên minh thống nhất thất bại hoàn toàn. Thay vào đó là các cuộc tranh giành quyền lực và xung đột đổ máu đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn giữa hai phong trào này. Giải pháp nữa là “đổi đất lấy hòa bình” theo bản lộ trình hòa bình Trung Đông do nhóm “Bộ tứ” (LHQ, Mỹ, Nga và EU) đồng bảo trợ lại càng không chút hy vọng vì nó đã bị I-xra-en bác bỏ hoàn toàn.
Có những lúc hòa bình đã le lói ở Trung Đông, tạo tiền đề cho cuộc gặp cấp cao quan trọng giữa Tổng thống Pa-le-xtin Áp-bát và Thủ tướng I-xra-en Ôn-mớt. Cuộc gặp đã đạt được một số kết quả khích lệ như việc I-xra-en đồng ý trả 100 triệu USD tiền thuế cho Pa-le-xtin song với điều kiện số tiền không được rơi vào tay chính phủ do Hamas lãnh đạo. Song “lợi bất cập hại”, động thái này của I-xra-en nhằm củng cố quyền lực của chính quyền Pa-le-xtin do ông Áp-bát thuộc phong trào Fatah đứng đầu, đã gián tiếp khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Fatah và Hamas, vì hai bên đang trong cuộc chiến tranh giành quyền lực gay gắt. Vì vậy, những động thái tưởng chừng là “thiện chí” của I-xra-en bị đặt dấu chấm hỏi.
Năm 2006, I-xra-en và Pa-le-xtin đã đạt được ít nhất hai lệnh ngừng bắn song đều nhanh chóng bị phá vỡ. I-xra-en đã không ít lần đem quân xâm phạm Dải Ga-da sau cuộc rút quân lịch sử khỏi vùng đất cằn cỗi này với nhiều cái cớ khác nhau. Mục đích cuối cùng vẫn là làm suy yếu phong trào Hamas và phô diễn sức mạnh quân sự hùng hậu với các nước trong khu vực. Cùng với đó là các cuộc tấn công tên lửa trả đũa không dứt của các chiến binh Pa-le-xtin sang lãnh thổ I-xra-en.
Hòa bình bấp bênh ở Trung Đông khiến người ta có cảm giác rằng, bất cứ tiến bộ nào đạt được ở khu vực này, từ lệnh ngừng bắn cho tới một số động thái nhượng bộ của I-xra-en, đều là do phải chịu sức ép hoặc mang chủ đích nào đó, chứ không phải là hệ quả từ giải pháp chính trị lâu dài mà hai bên thực sự mong muốn. Hơn nữa, tâm lý ưa dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đã tồn tại từ hàng chục năm nay ở khu vực máu lửa Trung Đông khiến cho mọi giải pháp khác đều bị xếp hàng thứ yếu. Mối hận thù lớn tới mức khó có thể hy vọng hai bên tự hóa giải.
Bi kịch lớn nhất chính là cả hai dân tộc Pa-le-xtin và I-xra-en đều khao khát hòa bình, song cả hai không có cách nào trút bỏ được tâm lý thù hận, trái lại thù hận ngày càng chồng chất. Mọi nỗ lực tiến tới hòa bình đều nhanh chóng bị dập tắt bởi sự chống đối của các thế lực cực đoan ở cả hai bên. Bầu không khí thù hận và bạo lực càng tạo cơ hội cho các thế lực này trỗi dậy, khiến tiến trình hòa bình Trung Đông dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là đang lâm vào ngõ cụt.
Vì vậy, bước sang năm 2007, dư luận thế giới đặt nhiều hy vọng hơn vào vai trò tác động của các “ông lớn” trên thế giới đối với khu vực Trung Đông, đặc biệt là Mỹ. Người ta hy vọng những bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ tháng 11-2006 có thể khiến Mỹ thay đổi chính sách đối với Trung Đông. Thất bại này là hệ quả từ chính sách của Mỹ ở I-rắc, vì vậy Mỹ cần một “thành tích” để lấy lại uy tín là thúc đẩy hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Người ta đã nghe thấy những tin tức về việc Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách Trung Đông, nhưng thay đổi cụ thể như thế nào thì vẫn còn phải chờ đợi.
Song người ta đã quá quen với việc hy vọng rồi lại thất vọng ở Trung Đông. Vậy nên, trong các dự báo tình hình thế giới năm 2007, Trung Đông được đánh giá sẽ vẫn là một trong những điểm nóng của thế giới trong vì phải đối mặt với những thách thức cũ cùng với những biến cố mới khó lường trước.
MỸ HẠNH