Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, hậu quả của những năm tháng chiến tranh, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước kết hợp với tình trạng bị cô lập chính trị, bị bao vây cấm vận kinh tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết Việt Nam phải đổi mới về tư duy và chính sách đối ngoại nhằm phá thế bao vậy, cô lập, từng bước hội nhập khu vực và thế giới, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc ưu tiên cải thiện quan hệ với ASEAN đã được đặt ra bởi các nước thành viên của Hiệp hội có tiềm lực kinh tế và có sự gần gũi về địa lý với Việt Nam.
 |
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Dato Ajit Singh chào mừng Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội, ngày 28-7-1995. Ảnh: TTXVN
|
Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta xác định Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực “thiết lập quan hệ cùng tồn tại hòa bình, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác”. Vào tháng 1-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố: "Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN và các nước trong khu vực". Từ đây, thái độ của các nước ASEAN với Việt Nam được cải thiện dần(1). Đến Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta nhấn mạnh “phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, tích cực góp phần xây dựng khu vực này thành khu vực hòa bình và hợp tác”. Theo nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, cuối năm 1991, đầu năm 1992, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thăm 6 nước thành viên ASEAN nhằm chủ động cải thiện mối quan hệ và thông báo lập trường của Việt Nam trong quan hệ với các nước láng giềng khu vực. "Lãnh đạo các nước ASEAN đều hoan nghênh thái độ chủ động của Việt Nam và gợi ý Việt Nam nên gia nhập ASEAN", đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định(2).
Không phải ngẫu nhiên mà ASEAN lại đưa ra gợi ý như vậy. Trên thực tế, ngay từ trong Tuyên bố ASEAN vào ngày 8-8-1967, các nước thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã thể hiện mong muốn về một ASEAN là “mái nhà chung” của toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á khi tuyên bố Hiệp hội "mở rộng cho tất cả các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tham gia" và "đại diện cho ý chí tập thể của các quốc gia ở Đông Nam Á gắn kết với nhau trong tình hữu nghị và hợp tác, thông qua nỗ lực chung và cùng hy sinh để bảo đảm cho nhân dân mình và thế hệ mai sau được hưởng hòa bình, tự do, thịnh vượng". Dẫu vậy, do hoàn cảnh lịch sử nên mong muốn ấy lúc bấy giờ vẫn chưa được hiện thực hóa.
 |
Nghi thức thượng cờ tại lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, ngày 28-7-1995. Ảnh: TTXVN |
Tiếp sau gợi ý của lãnh đạo các nước ASEAN, trong năm 1992, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN. Theo quy định của ASEAN, phải làm quan sát viên 5 năm mới được kết nạp trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội. "Nhưng đến đầu năm 1994, khi Việt Nam làm quan sát viên mới được hơn một năm, Tổng thư ký ASEAN gặp riêng tôi thông báo, vừa qua, lãnh đạo các nước ASEAN khi thảo luận về củng cố và mở rộng Hiệp hội đã nhất trí rằng nếu Việt Nam có nguyện vọng gia nhập sớm thì nên tổ chức lễ kết nạp ngay, nếu không kịp năm nay thì sang năm, không câu nệ quy định trước đây về thời gian làm quan sát viên", nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại(3).
Kết quả là vào ngày 28-7-1995, tại Brunei (vốn gia nhập ASEAN năm 1984), lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên cùng quốc kỳ 6 nước thành viên ASEAN trong một buổi lễ kết nạp được tổ chức trọng thể nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28. "Cũng phải kể đến 4 diễn biến địa chính trị quan trọng ảnh hưởng tới việc Việt Nam gia nhập ASEAN lúc bấy giờ. Đó là Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô, vấn đề Campuchia được giải quyết với việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Trung Quốc và Hoa Kỳ đều ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN, cho thấy uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao", Giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) nhấn mạnh với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
(còn nữa)
------------------
(1), (2), (3) 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN qua góc nhìn của người trong cuộc, tr.13-15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2020.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.