Theo Tân Hoa xã, mặc dù đầu năm nay nhiều khu vực trọng điểm sản xuất ngũ cốc ở Trung Quốc phải đối mặt với hạn hán kéo dài, nhưng những khu vực này vẫn mang đến tín hiệu tích cực với dự báo về một vụ hè bội thu nhờ những tiến bộ trong lai tạo giống, canh tác thông minh và sự xuất hiện của thế hệ nông dân am hiểu công nghệ.

Để bảo đảm an ninh lương thực, Trung Quốc đã không ngừng thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Năm 2024, tổng sản lượng ngũ cốc của nước này lần đầu tiên vượt mốc 700 triệu tấn, đánh dấu năm thứ 21 liên tiếp có vụ mùa bội thu.

Là một trong những tỉnh quan trọng nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, Sơn Đông thường xuyên phải hứng chịu tình trạng hạn hán và thiếu nước. “Trước đây, tình trạng hạn hán và thiếu nước khiến sản lượng giảm. Nhưng nhờ vào các giống lúa mì chịu hạn, chúng tôi kỳ vọng đạt năng suất khoảng 9,75 tấn/ha. Người ta thường nói rằng canh tác phụ thuộc vào thời tiết và chúng ta không thể kiểm soát mưa hay nắng. Tuy nhiên, với công nghệ thông minh, chúng ta có thể lên kế hoạch trước và sẵn sàng khi cần thiết”, ông Liu Fengjun, Giám đốc một hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Sơn Đông cho biết.

 Một nông dân đang chất lúa mì mới thu hoạch ở huyện Tancheng, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, ngày 27-5-2025. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại tỉnh Sơn Đông, ngành nông nghiệp đang có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào tự động hóa và công nghệ. Giữa cái nắng hè gay gắt, người nông dân Liu Shuguang có thể điều hành công việc đồng áng từ căn phòng có điều hòa. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh, anh đã điều khiển máy gặt đập liên hợp tự động. Toàn bộ quy trình từ thu hoạch, vận chuyển lúa mì đến gieo sạ ngô và đưa máy móc quay trở lại đều diễn ra hoàn toàn tự động. “Dù gặp hạn hán, năng suất của tôi vẫn tăng tới 525kg/ha. Và tôi đã cắt giảm được 80% chi phí lao động”, anh Liu, người quản lý một trang trại rộng 73ha bằng cách sử dụng máy móc tự động tích hợp định vị vệ tinh và cảm biến từ xa, cho biết. Trang trại của anh sử dụng robot dẫn đường bằng vệ tinh BeiDou để thu thập mẫu đất và phương tiện bay không người lái (UAV) để khảo sát đồng ruộng từ trên không.

Đối với anh Wang Huan, 21 tuổi, ở tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc, việc sử dụng UAV trong nông nghiệp mang đến một sự thay đổi mang tính cách mạng. Anh cho biết, một chiếc UAV có thể rải 2 tấn phân bón chỉ trong hơn một ngày, trong khi cùng khối lượng công việc đó trước đây 3 người phải mất 4-5 ngày để hoàn thành. Những “nông dân mới” có trình độ học vấn như anh Wang Huan đang định hình lại nền nông nghiệp Trung Quốc bằng cách áp dụng công nghệ và kiến thức kinh doanh vào lĩnh vực trước đây chủ yếu dựa vào lao động chân tay.

Nông nghiệp thông minh đang nở rộ trên khắp Trung Quốc khi trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tầm thấp và công nghệ thông tin ngày càng được tích hợp sâu rộng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, những tiến bộ khoa học và công nghệ đóng góp 63% vào tốc độ tăng trưởng sản lượng nông nghiệp của nước này. Trong khi đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch cây trồng của Trung Quốc đã đạt 75%. Sự trỗi dậy của nông nghiệp thông minh cũng đang mang đến cho nghề nông một sức hút mới mẻ, thu hút giới trẻ Trung Quốc đến với đồng ruộng.

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh công cuộc phát triển nông thôn và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, những người nông dân nước này đang tích cực áp dụng phương pháp tiếp cận hiện đại từ các nền tảng ứng dụng AI đến sử dụng UAV vào lĩnh vực này, góp phần tạo sức sống mới cho nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. 

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.