Đó là phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trước thềm Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) Trung Quốc-EU diễn ra tại Bắc Kinh ngày 24-7. Tại cuộc gặp, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong một thế kỷ, trước một thế giới đầy biến động, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU cần một lần nữa “thể hiện tầm nhìn và năng lực lãnh đạo”, đồng thời đưa ra “những lựa chọn chiến lược đúng đắn, đáp ứng kỳ vọng của người dân và vượt qua sự soi xét của lịch sử”.
 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ngày 24-7. Ảnh: Tân Hoa xã
|
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, cả Trung Quốc và EU đều là lực lượng nòng cốt trong xây dựng chủ nghĩa đa phương, tăng cường lòng tin và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhằm mang lại sự ổn định cho thế giới. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên cần duy trì quan hệ song phương phát triển đúng hướng và cùng nhau hợp tác để đưa mối quan hệ đến một tương lai tươi sáng hơn trong 50 năm tiếp theo.
Đáp lại quan điểm cho rằng quan hệ EU-Trung Quốc đang ở “điểm uốn” và lời kêu gọi “tái cân bằng” quan hệ thương mại song phương của Chủ tịch EC, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định: "Những thách thức hiện tại mà EU đang phải đối mặt không đến từ Trung Quốc... Cải thiện khả năng cạnh tranh không thể dựa vào việc “xây tường và pháo đài”. Việc tách rời và “phá vỡ xiềng xích” sẽ chỉ dẫn đến sự cô lập”. Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục EU "tuân thủ hợp tác cởi mở và xử lý đúng đắn những khác biệt và mâu thuẫn", đồng thời bày tỏ mong muốn “EU sẽ giữ cho thị trường thương mại và đầu tư mở cửa, không sử dụng các công cụ kinh tế và thương mại hạn chế”.
Trước đó, Reuters dẫn tuyên bố của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho hay, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục 305,8 tỷ euro (360 tỷ USD) vào năm ngoái. Theo hãng tin, quá trình chuẩn bị cho HNTĐ EU-Trung Quốc chứng kiến những tranh chấp thương mại song phương cùng những lời tuyên bố cứng rắn của EU, trong đó có cáo buộc Trung Quốc “đang làm tràn ngập thị trường toàn cầu do tình trạng dư thừa năng lực sản xuất”. Tuy nhiên, trong bài đăng trên X ngay trước khi HNTĐ diễn ra, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã sử dụng ngôn ngữ “mang tính hòa giải” và mềm mỏng hơn, khi mô tả HNTĐ là cơ hội để "thúc đẩy và cân bằng lại mối quan hệ của chúng ta".
Năm 2025 đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-EU. Bất chấp một số quan điểm của phương Tây coi Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh”, thực tế đã chứng minh Trung Quốc “là đối tác không thể thiếu trong việc bảo đảm tương lai của châu Âu”, Tân Hoa xã bình luận. Trong chuyến thăm gần đây tới trụ sở EU, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của Bắc Kinh đối với hội nhập của EU và quyền tự chủ chiến lược của khối này. Trong lĩnh vực kinh tế, nửa thế kỷ hợp tác song phương đã mang lại lợi ích cho cả hai bên, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức ấn tượng 785,8 tỷ USD vào năm 2024, tạo ra khoảng 3 triệu việc làm tại địa phương. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ và thương mại song phương chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu.
Trung Quốc hiện đã áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho 24 quốc gia thành viên EU; dỡ bỏ mọi hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và đang mở rộng những sáng kiến thí điểm mở cửa thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, y tế và giáo dục. Điều đó mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư EU mong muốn tiếp cận thị trường tỷ dân này.
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.