Theo kết quả một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, 90% cơ sở y tế tại nước này cho biết một số loại thuốc hiện rất khó mua, như một số loại thuốc ho, tiểu đường, trầm cảm, thậm chí cả thuốc điều trị ung thư. Các bệnh nhân vì vậy buộc phải sử dụng các loại thuốc thay thế có cùng thành phần. Trong trường hợp các loại thuốc thay thế cũng không có đủ nguồn cung, bệnh nhân buộc phải chuyển sang dùng các loại thuốc đắt tiền hơn.
 |
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Sự thiếu hụt nguồn cung thuốc tại Nhật Bản kéo dài hơn hai năm qua và ngày càng trầm trọng do tác động của đại dịch Covid-19 và dịch cúm hoành hành khiến nhu cầu sử dụng thuốc của người dân tăng cao. Khoảng 3.100 loại thuốc đang bị thiếu hụt nghiêm trọng tại Nhật Bản, chiếm hơn 20% trong tổng số gần 14.000 loại thuốc được chương trình bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.
Nhật Bản là thị trường dược phẩm lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là quê hương của những "gã khổng lồ" dược phẩm như Takeda và Eisai. Vậy vì đâu mà quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thuốc kéo dài?
Theo The Japan Times, khởi đầu của tình trạng thiếu thuốc bắt nguồn từ vụ bê bối của nhà sản xuất thuốc generic (thuốc ra đời sau, có thành phần và hiệu quả tương tự như loại thuốc gốc được phát triển đầu tiên) Kobayashi Kako ở tỉnh Fukui vào cuối năm 2020. Hai người tử vong và hơn 240 người trên khắp Nhật Bản đã gặp vấn đề về sức khỏe khi sử dụng thuốc trị nấm da chân bị trộn thêm thành phần thuốc ngủ do Kobayashi Kako sản xuất.
Sau đó, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã tăng cường các cuộc kiểm tra trên phạm vi toàn quốc, kết quả phát hiện nhiều vấn đề trong quá trình sản xuất tại các công ty dược phẩm.
Điển hình là vụ việc của Nichi-Iko - nhà sản xuất thuốc generic hàng đầu của Nhật Bản. Các nhà điều tra phát hiện các nhân viên của Nichi-Iko đã không tuân theo quy trình sản xuất thuốc được quy định mà thay vào đó, khi một loại thuốc không vượt qua kiểm tra chất lượng tại nhà máy, họ sẽ nghiền nát viên thuốc bị hỏng, xử lý lại và vận chuyển đi. Báo Asahi Shimbun cho biết, những sai phạm này đã tiếp diễn trong khoảng 10 năm mà không bị phát hiện. Công ty này sau đó đã tự nguyện thu hồi 75 sản phẩm, bao gồm cả thuốc điều trị tăng huyết áp và tiểu đường.
Kể từ bê bối của Kobayashi Kako và Nichi-Iko, hàng chục công ty dược phẩm trên toàn nước Nhật bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động vì vấn đề chất lượng sản phẩm, dẫn đến nguồn cung thuốc tại quốc gia này không ổn định. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, hơn 30% trong tổng số hơn 9.000 loại thuốc generic đã bị hạn chế hoặc đình chỉ bán.
Vì có giá thành rẻ hơn thuốc gốc nên thuốc generic đang chiếm khoảng 80% lượng thuốc được các bác sĩ kê đơn tại Nhật Bản. Chính phủ nước này cũng khuyến khích người dân sử dụng thuốc generic nhằm hạn chế chi phí y tế. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường dược phẩm và mức độ cạnh tranh về giá đã dẫn đến một số mặt trái.
Các công ty liên tục bổ sung các loại thuốc mới vào danh mục sản xuất để chạy theo lợi nhuận dẫn đến đa dạng về chủng loại nhưng số lượng từng loại thuốc lại ít. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng gây áp lực đối với các nhà sản xuất, khiến nguồn kinh phí cho đào tạo nhân công và duy trì kiểm soát chất lượng bị co hẹp. Một thách thức lớn là Nhật Bản phải nhập khẩu nguyên liệu cho khoảng 60% loại thuốc generic, trong khi đại dịch Covid-19 đã làm trì hoãn quá trình nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và cung ứng thuốc tại quốc gia này.
Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo các cơ quan chức năng Nhật Bản cần thiết lập một hệ thống cho phép tăng sản lượng linh hoạt và xem xét điều chỉnh mức giá thuốc tiêu chuẩn phù hợp hơn để khuyến khích các công ty đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng cần chú trọng vấn đề phân phối, bảo đảm cân bằng nguồn cung, tránh tình trạng tích trữ thuốc chờ tăng giá. Chính phủ Nhật Bản nên đi đầu trong việc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường lành mạnh, minh bạch để các doanh nghiệp dược phẩm phát triển nhanh và bền vững.
HÙNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.