Theo The Straits Times, gần đây, Venice (Italy) đã bắt đầu thu phí vào cửa 5 euro đối với khách tham quan ban ngày nhằm bảo vệ thành phố khỏi ảnh hưởng của tình trạng quá tải du lịch. Quy định này chỉ áp dụng vào 29 ngày cao điểm, chủ yếu là cuối tuần, từ 25-4 đến 14-7. Người dân, người đi làm ở Venice, học sinh, sinh viên và trẻ em dưới 14 tuổi cũng như khách du lịch qua đêm được miễn nộp phí. Các thanh tra viên sẽ tiến hành kiểm tra tại các điểm quan trọng ở Venice. Người không nộp phí vào cửa sẽ bị phạt từ 50 đến 300 euro. Trước đó, vào năm 2021, Italy cũng đã cấm các tàu du lịch lớn đến đầm phá Venice vì lo ngại các tàu này sẽ tác động đến môi trường. Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, Venice đón hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm. Lượng khách du lịch quá đông khiến thành phố này phải đối mặt với nhiều thách thức. UNESCO từng cảnh báo chính quyền thành phố Venice cần quản lý du lịch một cách bền vững hơn nếu không muốn bị xếp vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.

leftcenterrightdel
 Một viện bảo tàng ở Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, chính quyền thành phố Amsterdam (Hà Lan) đã triển khai các biện pháp nhằm cải thiện tình hình khi lượng du khách quá đông là một phần nguyên nhân dẫn đến những bữa tiệc độc thân ồn ào, vấn nạn ma túy gia tăng ở đây. Ước tính, mỗi năm, có khoảng 20 triệu người đổ về điểm du lịch nổi tiếng này. Vào năm 2023, Amsterdam đã phát động một chiến dịch trực tuyến nhằm ngăn cản những nam thanh niên nước ngoài đến thành phố để say xỉn với yêu cầu họ “tránh xa” thành phố hoặc cảnh báo phạt nặng theo luật pháp của Hà Lan. Trong tháng 4 vừa qua, Amsterdam ban hành lệnh cấm xây các khách sạn mới và giảm một nửa số lượng tàu du lịch đến đây trong vòng 5 năm. Các thành phố khác ở châu Âu như Dubrovnik (Croatia), Barcelona (Tây Ban Nha), Paris (Pháp), Vienna (Áo)... cũng đang hạn chế lượng khách du lịch bằng cách thu thuế hay giới hạn số lượng tàu cập cảng trong ngày.

Lâu nay, châu Âu là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều khách du lịch. Sau đại dịch Covid-19, làn sóng du lịch trả thù giúp châu Âu đón lượng khách khổng lồ. Bất chấp nắng nóng và lạm phát, nhiều người sẵn sàng móc hầu bao cho chuyến đi đến những thiên đường du lịch của châu Âu. Điều này mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch của các nước trong khu vực sau một thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. 

Tuy nhiên, việc du khách tăng đột biến đã gây ra tình trạng quá tải, kéo theo nhiều hệ lụy. Số lượng du khách lớn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều rác thải. Nếu không kịp thời xử lý theo đúng quy chuẩn, rác thải tồn đọng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhu cầu đi lại của lượng lớn khách du lịch khiến giao thông ùn tắc, gây ô nhiễm tiếng ồn. Việc du khách ồ ạt đến cũng làm các cơ sở hạ tầng xuống cấp nhanh chóng. Ngoài ra, giá các loại dịch vụ cũng như giá bán và cho thuê bất động sản tại các điểm nóng du lịch cũng tăng chóng mặt. Điều đó tác động lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Do lo ngại về vấn đề môi trường, chi phí đắt đỏ và mệt mỏi vì không gian sống chật hẹp, nhiều người đã chuyển đến nơi khác sinh sống. Có một số người thì tỏ thái độ không hoan nghênh du khách hoặc phản đối các dự án cơ sở hạ tầng du lịch. Trong khi đó, tình trạng “vỡ trận”, cầu vượt cung cũng gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Những vấn đề trên khiến việc giải quyết tình trạng quá tải là ưu tiên hàng đầu của các thành phố du lịch ở châu Âu.

Khi ngành công nghiệp không khói đang phục hồi mạnh mẽ trên thế giới sau đại dịch, không riêng gì châu Âu mà các nơi khác cũng cần đưa ra những giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững, mang lại lợi ích cho người dân địa phương cũng như trải nghiệm tuyệt vời cho khách du lịch.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.