Trong một bài viết mới đây, Hãng tin Bloomberg đã nhấn mạnh rằng, dù ứng viên đảng Dân chủ Phó tổng thống Kamala Harris hay ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng cũng đều có tác động lớn đến các vấn đề quan trọng toàn cầu hiện nay, từ những vấn đề an ninh như xung đột ở Ukraine và Trung Đông cho đến hoạt động thương mại thế giới.

Ukraine và NATO

Liên quan đến vấn đề Ukraine, ứng cử viên Kamala Harris đã cam kết sẽ duy trì hỗ trợ Ukraine nếu cần thiết, nhưng bà có thể sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng từ các thành viên trong Quốc hội về việc cấp thêm ngân sách cho Ukraine. Tương tự như ông Biden, cho đến nay, bà Harris vẫn từ chối chấp thuận các yêu cầu của Ukraine, bao gồm việc cho phép sử dụng tên lửa của các đồng minh, cũng như việc gia nhập NATO.

Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ kết thúc cuộc xung đột "trong vòng 24 giờ" sau khi đắc cử bằng cách thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngồi vào bàn đàm phán. Dù ông Trump không giải thích rõ sẽ thực hiện điều đó bằng cách nào, nhưng ông và người đồng hành của mình đã nhiều lần ngụ ý rằng, Ukraine cần sẵn sàng nhượng bộ một số yêu cầu để đạt được thỏa thuận hòa bình. Họ cũng đã đặt câu hỏi về việc tại sao Mỹ phải chi quá nhiều tiền để hỗ trợ Ukraine và cho rằng các đồng minh châu Âu cần phải chia sẻ thêm trách nhiệm này.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump. Nguồn: Getty Images 

Bloomberg Economics cho rằng, ông Trump có thể sẽ muốn chấm dứt một cuộc xung đột nước ngoài tốn kém và rủi ro. Đối với các đồng minh NATO, việc ông Trump đe dọa ngừng hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ gây áp lực tăng chi tiêu quốc phòng của họ. Nếu các nước này cố gắng theo kịp mức chi tiêu quốc phòng 3,3% GDP, điều này có thể làm tăng nợ của châu Âu thêm 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2034.

Về phía bà Harris, nếu sự ủng hộ từ Quốc hội giảm và tình hình Ukraine không khả quan, yêu cầu chấm dứt cuộc xung đột thông qua thương thảo hòa bình sẽ tăng lên.

Trung Đông

Liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas, bà Harris ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn nhiều lần. Bà ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng không nói rõ cách thức thực hiện ra sao. Giải pháp hai nhà nước là ý tưởng thiết lập hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt, trong đó một cho người Israel và một cho người Palestine. Tuy nhiên, ý tưởng đã bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ.

Còn về phía ông Trump, ông đã nói rằng, nếu ông là chủ nhân Nhà Trắng, vụ tấn công ngày 7-10 đã không diễn ra. Thế nhưng, ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng không cụ thể cách ngăn chặn của mình là gì. Ông cũng cho rằng Israel cần “làm tốt hơn quan hệ công chúng” và kêu gọi nước này “giải quyết nhanh chóng” vấn đề. Trong cuộc tranh luận vào tháng 9, ông né tránh trả lời câu hỏi liệu có ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine hay không. Ông đã kêu gọi cô lập Iran. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đạt được thành công trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab thông qua Hiệp định Abraham.

Một cuộc không kích của Israel vào phía Nam Beirut. Ảnh: Getty Images 

Theo Bloomberg Economics, nếu đắc cử, có khả năng bà Harris sẽ có động thái nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân do cuộc xung đột gây ra. Mặt khác, ông Trump có thể sẽ duy trì chính sách ủng hộ Israel nhưng sẽ ít tham gia vào các vấn đề ngoại giao liên quan hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trump và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri trung thành có thể tạo ra bất ngờ. Đối với nền kinh tế toàn cầu, rủi ro chính là giá dầu cao hơn. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị đối với giá dầu vẫn gần như bằng 0 sau cuộc tấn công của Israel vào Iran vào ngày 26-10, và cả hai ứng viên đều không muốn làm gia tăng căng thẳng.

Thuế quan

Triển vọng của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khiến các ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế lo ngại rằng động thái của Mỹ nhằm đóng cửa thị trường có thể gây ra các cuộc chiến thương mại rộng hơn, làm chậm tăng trưởng toàn cầu và làm tăng lạm phát.

Ứng cử viên đảng Dân chủ ủng hộ quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc gia hạn các mức thuế mà chính quyền ông Trump trước đó đã áp đặt đối với một quốc gia Đông Á, và bà cũng đã ủng hộ việc đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và công nghệ cao tại Mỹ. Dù ủng hộ một số thỏa thuận thương mại, nhưng trong vai trò là thượng nghị sĩ, bà phản đối một số thỏa thuận mà bà cho là không mang lại lợi ích hoặc có thể gây hại cho người lao động và môi trường.

Về phần ông Trump, ông kêu gọi áp dụng các mức thuế mạnh lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu như một biện pháp kích thích đầu tư vào Mỹ. Dù quyết định trên đã gây sự chú ý của truyền thông, nhưng đã không có ảnh hưởng lớn đến các dữ liệu vĩ mô. Trump lập luận rằng, hệ thống thương mại quốc tế hiện nay đang thiên lệch chống lại lợi ích của Mỹ và hứa sẽ tái cân bằng nếu ông tái đắc cử.

 Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Mỹ áp đặt thuế 25% đối với hàng trăm tỷ USD thương mại Mỹ-Trung. Theo Bloomberg Economics, nếu ông Trump tái đắc cử và thực hiện các mức thuế 60% đối với Trung Quốc và 20% đối với các nước khác, điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc thương mại toàn cầu. Tỷ lệ thương mại hàng hóa của Mỹ trong thị trường toàn cầu có thể giảm mạnh xuống còn 9% vào năm 2028, so với mức 21% hiện tại.

Bloomberg Economics cho rằng, chính sách “sân nhỏ, hàng rào cao” của ông Biden nhằm hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài với công nghệ quan trọng, sẽ khả thi nếu bà Harris đắc cử, đồng thời nhấn mạnh, với tính “thực dụng” và sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo, bà có thể tạo ra những bất ngờ trong hiện chính sách.

Di cư và châu Mỹ Latinh

Làn sóng người nhập cư đã trở thành một trong những chủ đề quan trọng nhất trong các chương trình nghị sự tại Mỹ và cả 2 đảng đều đang ủng hộ việc kiểm soát và hạn chế số lượng người nhập cư ngay cả khi dữ liệu của chính phủ cho thấy đóng góp quan trọng của người nhập cư với kinh tế Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Harris đã nêu quan điểm muốn kiểm soát và giảm số lượng người nhập cư không có giấy tờ vào Mỹ và hạn chế người nước ngoài xin tị nạn. Ứng cử viên đảng Dân chủ hứa sẽ thúc đẩy một dự luật lưỡng đảng, kết hợp các quy định mới về tị nạn với việc cung cấp thêm ngân sách cho các quy trình pháp lý. Bà cũng ủng hộ các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cư hợp pháp vào Mỹ, đồng thời tạo ra một lộ trình cho người nhập cư có thể trở thành công dân Mỹ.

Những người di cư trên bờ sông Rio Grande tại biên giới Mỹ-Mexico vào tháng 4. Ảnh: Bloomberg 

Ông Trump thì kêu gọi trục xuất hơn 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ, đề xuất xây dựng các cơ sở để giam giữ những người nhập cư trái phép, áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với những hình thức nhập cư hợp pháp như xin tị nạn.

Theo Bloomberg Economics, cam kết của ông Trump có thể gây ra tổn thất về kinh tế. Giảm dòng người nhập cư mới xuống gần bằng 0 và trục xuất những người đã đến từ năm 2020 sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 3% vào năm 2028. Tổng kiều hối về các quốc gia như El Salvador, Guatemala và Honduras (các quốc gia phụ thuộc vào tiền kiều hối mà người dân họ gửi về từ Mỹ) sẽ giảm.

Bloomberg Economics đánh giá, bà Harris dù đang có lập trường nghiêm khắc hơn về an ninh biên giới so với trước đây, nhưng so với ông Trump, các chính sách của bà được đánh giá là ít nghiêm ngặt hơn và sẽ tác động nhỏ hơn đến tăng trưởng của Mỹ và dòng kiều hối.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.