Theo The Guardian, hơn 45 triệu người, tương đương khoảng 13,5% dân số Mỹ, đang gánh số nợ sinh viên với tổng trị giá hơn 1.700 tỷ USD. Chủ nợ của phần lớn các khoản vay này là Chính phủ Mỹ. Tuy các khoản vay dành cho sinh viên không phải là mới ở Mỹ nhưng hiện tượng đáng ngại là tổng nợ sinh viên đã tăng gấp hơn 3 lần trong 16 năm qua.
Các trường đại học ở Mỹ thường có học phí từ 10.000USD đến 70.000USD/năm, khiến sinh viên tốt nghiệp phải gánh khoản nợ khá lớn khi họ tham gia lực lượng lao động. Theo ước tính của chính phủ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ khi họ tốt nghiệp là 25.000USD. Trung bình một người mất tới 21 năm mới có thể thoát ra khỏi món nợ từ thời sinh viên, tức là khi họ đã ở tuổi tứ tuần.
Trung bình cứ 7 người Mỹ thì lại có một người gánh món nợ từ thời sinh viên. Do vậy, vay nợ để học đại học và dành phần lớn thời gian đi làm để trả nợ là vòng luẩn quẩn mà hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt.
 |
Hơn 45 triệu người Mỹ đang gánh số nợ từ thời sinh viên. Ảnh: US News |
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần khoản nợ sinh viên, qua đó hiện thực hóa cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử. Theo kế hoạch, Chính phủ Mỹ sẽ xóa 20.000USD nợ cho các sinh viên đã vay tiền học đại học theo chương trình hỗ trợ tài chính liên bang Pell Grant và sẽ xóa 10.000USD tiền nợ cho những người không được tham gia chương trình này. Gói hỗ trợ sẽ dành cho những người vay có thu nhập dưới 125.000USD/năm hoặc các cặp vợ chồng kiếm được dưới 250.000USD/năm.
Dự kiến việc xóa nợ sẽ giúp khoảng 43 triệu người vay tiền giảm bớt gánh nặng vào thời điểm chi phí sinh hoạt tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, chính sách này lại đang gây nhiều tranh cãi. Các nghị sĩ Đảng Dân chủ thì hoan nghênh kế hoạch, cho rằng việc xóa nợ giúp thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, hỗ trợ tốt hơn cho những người thu nhập thấp. Trong khi đó, phía Đảng Cộng hòa lại cáo buộc Tổng thống Biden lãng phí tiền bạc cho biện pháp này, cho rằng tài chính công có thể được sử dụng hiệu quả hơn.
"Điều này rất không công bằng đối với những người đã vay nợ, làm việc chăm chỉ và trả hết nợ. Thật không công bằng với những người đã chọn những con đường khác trong cuộc sống mà không đòi hỏi họ phải vay nhiều nợ", Thống đốc bang Florida Ron DeSantis nói.
Số khác lại nhận định đây là một động thái mang tính chính trị của Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi trước thềm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. “Phải chăng sẽ có thêm các đề xuất mua chuộc cử tri khác: Xóa các khoản vay nợ mua ô tô? Bỏ qua nợ thẻ tín dụng? Miễn nợ cho thế chấp?”, Thượng nghị sĩ Mitt Romney viết trên Twitter.
Trong thông báo đưa ra mới đây, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho hay, kế hoạch của Tổng thống Joe Biden về xóa nợ sinh viên ước tính tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD. Ước tính trên dự kiến sẽ thổi bùng thêm những tranh cãi liên quan tới chủ đề này.
Đáng chú ý, một vài chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ lo ngại quyết định xóa nợ của Tổng thống Biden dù mang lại lợi ích cho một bộ phận dân chúng Mỹ, nhưng có thể khiến thâm hụt ngân sách của nước này ngày càng gia tăng. Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB) đã chỉ trích kế hoạch xóa nợ đối với sinh viên, cho rằng động thái này sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng thêm khoảng 500 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc miễn trừ các khoản nợ sinh viên sẽ không giải quyết được những bất bình đẳng cơ bản đã tạo ra khối nợ đó ngay từ đầu. Nó không thể giải quyết vấn đề học phí tăng cao hay giảm lãi suất vay cho sinh viên, nói cách khác là chỉ “chữa ngọn mà quên gốc”. Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia khuyến cáo việc xóa nợ cần đi kèm với những cải cách để giúp tạo ra nền giáo dục đại học công có chất lượng với chi phí hợp lý, mang lại tương lai cho những thế hệ tiếp theo, chứ không phải đem tới những khoản nợ khiến họ trả 20 năm chưa hết.
NGỌC HÂN