Reuters ngày 7-10 đưa tin, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Blinken cho biết chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden “đang tham vấn chặt chẽ” với Quốc hội về vấn đề này. Trong khi không đề cập chi tiết đến các lựa chọn, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington sẽ không làm gì gây tổn hại đến lợi ích của mình.
“Chúng tôi sẽ luôn lưu ý đến vấn đề lợi ích và tham vấn chặt chẽ với tất cả các bên liên quan khi đưa ra quyết định”, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ.
Phát biểu của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra vài ngày sau hôm 5-10 vừa qua, khi OPEC+, vốn sản xuất khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới, thông báo nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.
 |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington đang xem xét “các lựa chọn khác nhau” liên quan tới mối quan hệ với Saudi Arabia. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, đây sẽ là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ, mà theo OPEC+ là do “triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ không chắc chắn”, được đưa ra vào thời điểm nhiều quốc gia đang chật vật ứng phó với chi phí năng lượng tăng vọt.
Theo giới phân tích, việc đưa một lượng lớn dầu ra khỏi thị trường sẽ đẩy giá dầu thô leo thang, tiếp tục làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã đạt mức cao nhất trong hàng thập niên qua ở nhiều quốc gia.
Quyết định của OPEC+ được xem là có thể khiến quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ gia tăng căng thẳng trong bối cảnh Tổng thống Biden đang nỗ lực chặn đà tăng giá xăng dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Hồi tháng 7 vừa qua, trong chuyến thăm Saudi Arabia-vốn là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ và theo CNN là “lãnh đạo trên thực tế” của OPEC+, Tổng thống Biden đã kêu gọi Riyadh nâng sản lượng nhằm kiềm chế giá dầu-nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua và đe dọa đến triển vọng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden "rất thất vọng", xem quyết định của OPEC+ là "không cần thiết". Nhà Trắng coi việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng dầu là "thảm họa toàn diện", nhấn mạnh đây chính là lời nhắc nhở rằng việc Washington giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài "trở nên rất quan trọng". Theo Reuters, hôm 6-10, phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã kêu gọi cắt giảm các thương vụ vũ khí với Saudi Arabia sau quyết định của OPEC+.
Mặc dù vậy, tờ The Economist đánh giá quyết định của OPEC+ cũng tiềm ẩn rủi ro với chính liên minh này. Theo đó, thị phần của OPEC+ vẫn chưa phục hồi sau những đợt cắt giảm lớn mà liên minh thực hiện vào năm 2020 để cứu giá dầu thời đại dịch. Việc cắt giảm sản lượng dầu một lần nữa có thể làm xói mòn thêm thị phần của OPEC+ bởi lẽ giá cao hơn sẽ khiến nhu cầu giảm, từ đó có thể gây hại hơn cho vị thế của liên minh.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng tác động thực tế từ quyết định mới nhất của OPEC+ cũng có thể không hoàn toàn rõ ràng, bởi lẽ liên minh này vốn không đạt được các mục tiêu sản xuất trước đó. “Tác động thực sự của việc cắt giảm sẽ nhỏ hơn vì một số thành viên không đạt được hạn ngạch sản lượng của họ”, CNBC dẫn lời nhà phân tích Fiona Cincotta thuộc City Index (Anh) nhận định.
NHẬT MINH