Tại Mỹ, nếu không có đủ tiền ăn học thì sinh viên có thể vay tiền của Nhà nước với sự bảo lãnh của cha mẹ. Ấy nhưng, vào thời buổi kinh tế khủng hoảng, học xong ra trường không tìm được việc làm, nhiều sinh viên chưa thể trả nợ khi đáo hạn...
QĐND - Tại Mỹ, nếu không có đủ tiền ăn học thì sinh viên có thể vay tiền của Nhà nước với sự bảo lãnh của cha mẹ. Ấy nhưng, vào thời buổi kinh tế khủng hoảng, học xong ra trường không tìm được việc làm, nhiều sinh viên chưa thể trả nợ khi đáo hạn. Kết quả là, mỗi ngày những cuộc điện thoại nhắc nợ reo lên ở hàng triệu hộ gia đình trên khắp nước Mỹ. Theo thống kê, tiền nợ của sinh viên tại Mỹ đã lên đến 1000 tỷ USD.
Báo L’Express (Pháp) cho biết, sau khủng hoảng nợ về việc vay tiền mua nhà và xe hơi, giờ đây các gia đình Mỹ lại lo lắng cho việc trả nợ tiền ăn học cho con em mình. Hiện nay, mức thất nghiệp ở Mỹ lên tới gần 8%, trong khi đó những người có việc làm bị giảm lương. Tất cả những yếu tố trên khiến cho việc trả nợ của sinh viên ra trường càng trở nên khó khăn. Theo thống kê, có đến 68% sinh viên đã tốt nghiệp tại Mỹ nợ tiền ăn học. Trung bình, mỗi sinh viên nợ khoảng 27.000USD, trong khi con số này năm 1989 chỉ có 10.000USD. Đối với hai ngành danh giá và tốn kém nhất là y khoa và kinh tế, thì cứ một trong 10 sinh viên ra trường nợ Nhà nước 62.000USD. Lứa tuổi mắc nợ nhiều nhất là dưới 35.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng tiết lộ, nhiều sinh viên ra trường đã có công ăn việc làm, nhưng cũng đăng ký học tiếp để nâng cao trình độ với hy vọng sẽ kiếm được việc làm tốt hơn. Nhưng bên cạnh lợi ích đó còn có một lợi ích có vẻ hơi ngược đời. Đó là khi đăng ký học nâng cao, món nợ đang thiếu sẽ được hoãn thời gian trả. “Và thế là, người mắc nợ tiền ăn học khi đăng ký đi học tiếp thì chỉ mong tốt nghiệp càng trễ càng tốt!”, L’Express kết luận.
PHƯƠNG LINH