Cuối tuần qua báo chí Mỹ đã đăng tải các thông tin rò rỉ liên quan đến bản kế hoạch mới của Mỹ ở I-rắc mang tên “Con đường mới tiến lên phía trước”. Dự kiến Tổng thống Bu-sơ sẽ chính thức công bố bản kế hoạch trong ngày hôm nay, 10-1. Tuy nhiên, Tổng thống Bu-sơ đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng của dư luận Mỹ phản đối kế hoạch tăng quân tại I-rắc.

Báo chí Mỹ dẫn nguồn tin các quan chức có nhiệm vụ chắp nối các phần cuối cùng của bản kế hoạch cho biết, tăng thêm quân và tạo việc làm là hai nội dung quan trọng trong bản kế hoạch mới của Mỹ ở I-rắc. Theo đó, trong vài tháng tới, Mỹ sẽ điều động thêm khoảng 20 nghìn quân tới Bát-đa. Qua cuộc điện đàm kéo dài với Tổng thống Bu-sơ, Thủ tướng I-rắc Ma-li-ki cũng đã chấp thuận kế hoạch tăng quân của Mỹ. Tuy nhiên, theo các giới chức này, Tổng thống Bu-sơ có thể sẽ không đề cập chi tiết tới vấn đề lực lượng bổ sung sẽ ở lại I-rắc bao lâu khi công bố kế hoạch.

Điểm đáng chú ý của bản kế hoạch này là Mỹ sẽ tăng gấp đôi nỗ lực tái thiết I-rắc, đặt tầm quan trọng của nhiệm vụ tái thiết với nhiệm vụ chiến đấu. Kế hoạch kêu gọi tăng gấp đôi số lượng nhân viên làm công tác tái thiết thuộc các nhóm tái thiết ở các tỉnh. Các nhóm này gồm các giới chức ngoại giao Mỹ có quyền điều phối các nỗ lực tái thiết ở địa phương hay thuê các công ty I-rắc làm việc. Theo kế hoạch, các nhóm tái thiết này sẽ được mở rộng và được bảo vệ bởi các lữ đoàn chiến đấu. Mỹ sẽ triển khai chương trình tạo việc làm cho người dân I-rắc trị giá khoảng 1 tỷ USD. Người I-rắc sẽ có việc làm trong các dự án tái thiết như sửa sang trường học và trồng cây xanh… Đây là một trong những giải pháp nhằm giảm sự kháng cự của người I-rắc đối với các lực lượng Mỹ.

Kế hoạch là vậy, song một số quan chức Mỹ vẫn nghi ngờ về khả năng thành công của nó. Đó là chưa tính tới khả năng Tổng thống Bu-sơ có thực hiện được kế hoạch hay không khi mà đảng Dân chủ nắm quyền trong quốc hội tỏ ra chẳng mấy mặn mà. Trong một bức thư gửi tới Tổng thống Bu-sơ, các lãnh đạo mới của quốc hội thuộc đảng Dân chủ đề xuất Mỹ nên có kế hoạch rút quân theo từng giai đoạn khỏi I-rắc, bắt đầu từ 4 đến 6 tháng tới. Nhà lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Ha-ri Rết phát biểu trên đài phát thanh của đảng Dân chủ phản đối chiến lược tăng quân Mỹ tại I-rắc. Ông nói: “Binh lính của chúng ta và gia đình của họ đã phải hy sinh rất nhiều cho I-rắc. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đã đến lúc để cho người I-rắc thực hiện phần việc của họ”. Trong bức thư trên, cả ông Ha-ri và Chủ tịch Hạ viện Nan-xi Pê-lô-xi thuộc đảng Dân chủ cho rằng, việc tăng thêm quân chiến đấu sẽ khiến tình trạng dàn trải của lực lượng Mỹ đạt tới điểm giới hạn mà không thu được kết quả chiến lược nào.

Trong khi đó, Đồi Cáp-pi-tôn cũng đang khẩn trương với một loạt cuộc điều trần về I-rắc bắt đầu trong tuần này. Các lãnh đạo đảng Dân chủ dự định sẽ sử dụng các cuộc điều trần này để loại bỏ một số chi tiết không “hợp khẩu vị” trong bản kế hoạch I-rắc mới của ông Bu-sơ. Ông Ha-ri Rết cảnh báo sẽ đưa ra các vấn đề gai góc trong các phiên điều trần như yêu cầu phải có các giải pháp thực tế đối với cuộc chiến I-rắc và kiên trì hành động để chấm dứt nó. Tại các phiên điều trần, ông Bu-sơ sẽ phải giải trình về các vấn đề, liệu việc tăng thêm quân có thể làm cho cuộc chiến I-rắc thành công hay không. Bà Ê-len Tớt-chơ, nghị sĩ Dân chủ đứng đầu tiểu ban các lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban vũ trang Hạ viện cho biết, nếu Tổng thống nhất định đề nghị tăng thêm quân tới những khu vực nguy hiểm nhất, bà sẽ từ chối khoản ngân sách để thực hiện bản kế hoạch.

Ngay trong đảng Cộng hòa, bản kế hoạch của Tổng thống Bu-sơ cũng vấp phải những chống đối. Nghị sĩ Cộng hòa Hi-thơ Uyn-xơn thuộc bang Niu Mê-xi-cô là người đầu tiên lên tiếng phản đối bất kỳ kế hoạch tăng quân nào tới I-rắc. Bản kế hoạch chưa được công bố, song đa số người Mỹ đã tỏ ý phản đối việc tăng quân. Chỉ một trong năm người Mỹ được hỏi ủng hộ kế hoạch này, theo cuộc khảo sát của công ty thăm dò dư luận Cook Political Report. Hơn nữa, trước thực tế số lính Mỹ thiệt mạng tại I-rắc đã vượt quá con số 3.000, Tổng thống Bu-sơ sẽ rất khó khăn để thuyết phục sự ủng hộ cho kế hoạch tăng thêm quân tới nơi mũi tên hòn đạn như I-rắc.

Xem ra để biến bản kế hoạch I-rắc “Con đường mới tiến lên phía trước” thành hiện thực, Tổng thống Bu-sơ sẽ phải vượt qua các rào cản rất lớn. Về mặt lý thuyết, quốc hội Mỹ hoàn toàn có khả năng cản trở bản kế hoạch bằng việc cắt giảm hoặc không thông qua các khoản ngân sách để thực hiện. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bu-sơ.

MỸ HẠNH