Theo Tân Hoa xã, kế hoạch do Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đề ra nhằm mục đích thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, kích thích nhu cầu trong nước trên diện rộng và tăng sức chi tiêu của người dân bằng cách tăng thu nhập và giảm gánh nặng tài chính cho họ.

Tân Hoa xã nhấn mạnh kế hoạch được công bố trong bối cảnh Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai và thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Dữ liệu thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2025, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tại Trung Quốc-một chỉ số chính phản ánh sức tiêu dùng của nước này-đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, chia sẻ trong một cuộc họp báo, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) của Trung Quốc Li Chunlin cho rằng, bất chấp những dữ liệu tích cực, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn yếu do nhiều yếu tố và việc thúc đẩy tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước là điều buộc phải tiến hành.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 2-2025. Ảnh: Tân Hoa xã 

Kế hoạch được phân chia thành 8 phần chính và đặt ra cách tiếp cận toàn diện bằng cách giải quyết đồng thời các vấn đề như tăng trưởng thu nhập, nâng cao chất lượng dịch vụ tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng quy mô lớn và cải thiện môi trường tiêu dùng. Trong đó cũng bao gồm các giải pháp tạo ra nhu cầu tiêu dùng hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng nguồn cung, cải thiện môi trường mua sắm để tăng niềm tin của người tiêu dùng và dỡ bỏ các rào cản hạn chế chi tiêu.

Đáng chú ý, kế hoạch này lồng ghép tăng trưởng tiêu dùng vào các mục tiêu phát triển rộng hơn của Trung Quốc bằng cách “kết nối” chi tiêu của người tiêu dùng với các mục tiêu xã hội rộng hơn, chẳng hạn như cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc người già, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giúp người dân cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Cụ thể, ngay trong năm 2025, Trung Quốc sẽ tăng trợ cấp tài chính đối với các chế độ phúc lợi cơ bản dành cho người già và bảo hiểm y tế cơ bản dành cho dân cư nông thôn, thành thị không có việc làm. Trong khi đó, các chế độ lương hưu cơ bản cho người về hưu sẽ được tăng lên một cách phù hợp.

Ngoài ra, cũng theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện chính sách nghỉ phép có lương hằng năm, bảo đảm quyền nghỉ ngơi và nghỉ phép của người lao động được pháp luật bảo vệ, đồng thời cấm việc tăng giờ làm bất hợp pháp.

Theo ông Li Chunlin, các chính sách thúc đẩy tiêu dùng trước đây của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào phía cung, đồng thời nhấn mạnh rằng “cung thúc đẩy việc tạo ra cầu”. Tuy nhiên, các chính sách mới nhất lại ưu tiên phía cầu, nhằm thúc đẩy thu nhập hộ gia đình và giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân. Phó chủ tịch NDRC cũng chỉ rõ một số biện pháp liên quan tới các chính sách mới này như tăng tiền lương một cách hợp lý và điều chỉnh mức lương tối thiểu một cách khoa học.

Qua đó phần nào cho thấy, trong kế hoạch mà Trung Quốc mới công bố, tiêu dùng không chỉ được xác định là mục tiêu kinh tế mà còn là phương tiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết, kế hoạch này cũng lần đầu tiên nhấn mạnh đến nhu cầu ổn định thị trường chứng khoán và bất động sản.

Fu Jinling, quan chức của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết thêm, theo chính sách “việc làm là trên hết”, chính quyền trung ương Trung Quốc có kế hoạch phân bổ 66,74 tỷ nhân dân tệ tiền trợ cấp việc làm trong năm 2025 để hỗ trợ các chương trình việc làm và khởi nghiệp tại các địa phương.

TRUNG DŨNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.