leftcenterrightdel
Thủ đô mới của Indonesia được xây dựng ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Ảnh: Nikkei Asia 

Theo Reuters, ngày 9-6, Chủ tịch Ủy ban ngân sách Quốc hội Indonesia Said Abdullah cho biết, cơ quan này đã phê duyệt khoản bổ sung 15.000 tỷ rupiah (1,01 tỷ USD) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Số tiền bổ sung sẽ được dùng để xây dựng thủ đô mới trong năm nay, ngoài khoản 22.000 tỷ rupiah được phân bổ trước đây. “Vì vậy, vào tháng 6-2024, tổng thống có thể sống ở đó”, ông Abdullah nhấn mạnh trong một phiên điều trần.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Indonesia đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ quan hành chính quan trọng của thủ đô mới, bao gồm dinh tổng thống và các tòa nhà của những bộ chủ chốt với mục tiêu ít nhất 16.000 công chức, quân đội và cảnh sát sẽ chuyển đến đây vào năm tới. 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cam kết, Chính phủ nước này sẽ chỉ đầu tư 20% trong tổng chi phí ước tính 32 tỷ USD của dự án kiến thiết thủ đô mới, phần còn lại đến từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về tính khả thi và tính liên tục của dự án mặc dù chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi. Ngày 7-6 vừa qua, trong khuôn khổ Tuần lễ sinh thái 2023 ở Singapore, ông Widodo đã kêu gọi những nhà đầu tư toàn cầu cung cấp các khoản đầu tư lớn vào thủ đô mới Nusantara, đồng thời khẳng định tính an toàn của các khoản đầu tư này. Trước khi giới thiệu về kế hoạch biến Nusantara thành một thành phố thông minh đẳng cấp thế giới được bao phủ bởi không gian xanh rộng lớn, ông Widodo nhấn mạnh: “Khoản đầu tư của các bạn vào Indonesia sẽ an toàn, cũng như sự phát triển liên tục của Nusantara”. Nhà lãnh đạo Widodo cũng cam kết cung cấp các cơ chế khuyến khích đầu tư hấp dẫn tại Nusantara. 

Xây dựng thủ đô mới là kế hoạch đầy tham vọng của ông Widodo. Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ hai vào năm 2019, Tổng thống Joko Widodo đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô khi Jakarta đối mặt với tình trạng tắc đường, ô nhiễm và lụt lội nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch bị đình trệ. Từ giữa năm 2022, Indonesia bắt đầu xây dựng thủ đô mới.

Thủ đô mới nằm cách Jakarta 2.000km về phía Đông Bắc. Nusantara được thiết kế là một thành phố xanh, trong đó, rừng chiếm 65% diện tích và là thành phố trung hòa carbon đầu tiên ở nước này được trang bị các cơ sở giáo dục và y tế đẳng cấp thế giới. Tổng thống Joko Widodo hy vọng người dân không còn phải lo tắc đường và có thể thoải mái đi bộ hoặc đi xe đạp tại thủ đô mới. Nusantara cũng được quy hoạch để trở thành một thành phố công nghệ cao với kỳ vọng thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là “dân du mục kỹ thuật số” từ khắp thế giới tới sinh sống. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Widodo đã công bố logo mang tên “Cây đời” của thủ đô mới Nusantara. Logo của Nusantara lấy cảm hứng từ cây trường sinh mang ý nghĩa cội nguồn của sự sống với 5 rễ tượng trưng cho học thuyết Pancasila, 7 cành tượng trưng 7 hòn đảo lớn của Indonesia và 17 bông hoa đang nở tượng trưng cho nền độc lập vĩnh cửu. Phát biểu tại buổi lễ được truyền hình trực tiếp từ Cung điện Merdeka, Tổng thống Joko Widodo cho biết theo triết lý của logo này, Nusantara sẽ trở thành nguồn sống mới cho tất cả mọi người.

Sau khi chuyển thủ đô, Jakarta vẫn sẽ là trung tâm tài chính và thương mại của Indonesia. Các đại sứ quán và văn phòng đại diện của tổ chức quốc tế dự kiến sẽ tham gia cùng các cơ quan nhà nước trong việc chuyển văn phòng đến thủ đô mới trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu di dời.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Widodo sẽ kết thúc vào năm 2024. Do đó, ông không còn nhiều thời gian để thực hiện kế hoạch di dời thủ đô đầy tham vọng.

LÂM ANH