Kỳ 1: CHE GUEVARA BẤT TỬ

Tên khai sinh của Che Guevara là Ernesto Guevara de la Serna. Ông sinh ngày 14-6-1928 tại thành phố Rosario, miền Trung Argentina và là người con trong một gia đình khá giả. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ ở trong nước, năm 1953, ông tự mình làm cuộc hành trình lên phía Bắc tới các nước: Peru, Ecuador, Venezuela và Guatemala để tìm hiểu tình hình khu vực Mỹ Latinh. Chuyến đi này giúp ông chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của các tầng lớp lao động, đặc biệt ở các vùng ven đô và cư dân da đỏ bản địa. Đồng thời, ông cũng hiểu rõ hơn sự thống trị nghiệt ngã của chủ nghĩa đế quốc trong khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ. Được tiếp xúc với các lực lượng cánh tả và trực tiếp tham gia vào các phong trào phản kháng chống đế quốc, chống các chế độ độc tài quân sự ở khu vực đã giúp ông tiếp thu và tình nguyện gắn bó với Chủ nghĩa Mác.

Ernesto Guevara gặp hai anh em Fidel Castro và Raul Castro tại Mexico năm 1955, đúng vào thời điểm các thanh niên yêu nước Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ độc tài Batista và ách thống trị thực dân mới của Mỹ, giành lại nền độc lập thực sự cho Tổ quốc. Ngay sau đó, ông gia nhập tổ chức cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo và tham gia vào cuộc đổ bộ về Cuba với tư cách là bác sĩ của đội quân cách mạng. Cũng bắt đầu từ đây, Ernesto Guevara có bí danh “Che”, một cách gọi thân mật, sau này trở thành một phần không thể thiếu trong tên ông.

leftcenterrightdel

Che Guevara thử vận hành máy đóng bao tại nhà máy bột mì. Ảnh: Prensa Latina 

Ngày 2-12-1956, đội quân cách mạng gồm 82 người thực hiện cuộc đổ bộ từ Mexico về Cuba bằng đường biển trên con tàu Granma. Trong thời gian ngắn ngủi hơn hai năm, đội du kích nhỏ bé đã phát triển thành một đội quân hùng mạnh, thiện chiến và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức cánh tả và các tầng lớp quần chúng yêu nước.

Trong quá trình đó, Che Guevara đã sớm bộc lộ tài năng quân sự của mình và Fidel Castro cũng sớm phát hiện ra tài năng đó, tạo điều kiện để người bạn chiến đấu mới của mình có thể phát huy khả năng này. Ông lần lượt được giao chỉ huy từ cấp tiểu đội đến một cánh quân với quân hàm cấp Tư lệnh (sau cấp Tổng tư lệnh-cấp bậc chỉ dành cho người chỉ huy cao nhất của quân khởi nghĩa là Fidel Castro).

Ngay sau ngày cách mạng thành công (1-1-1959), chính phủ cách mạng thông qua sắc lệnh trao quốc tịch Cuba cho Che Guevara và bổ nhiệm ông làm chỉ huy lực lượng dân quân mới thành lập và Giám đốc Viện Cải cách ruộng đất (năm 1959). Một năm sau, ông được cử làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và Bộ trưởng Kinh tế (năm 1960). Năm 1961, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công nghiệp, chức vụ nhà nước cuối cùng của ông. Cũng trong những năm đó, Che Guevara đã đại diện cho Cuba dự và phát biểu tại một số diễn đàn quốc tế.

Năm 1965, Che Guevara bí mật chia tay đất nước Cuba-Tổ quốc thứ hai của ông, sang châu Phi tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do phong trào cách mạng ở Congo phát động. Trước khi lên đường, Che Guevara viết bức thư từ biệt gửi lãnh tụ Fidel Castro, trong đó ông tuyên bố tự nguyện từ bỏ mọi chức vụ trong Đảng và trong Chính phủ Cuba, từ bỏ quyền công dân Cuba và không để lại bất cứ một di sản vật chất gì cho vợ và các con.

Năm 1966, từ châu Phi, Che Guevara bí mật trở về châu Mỹ, tập họp cùng một số chiến sĩ cách mạng tình nguyện thành lập đội quân du kích để phát động đấu tranh cách mạng ở Mỹ Latinh giải phóng các dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các chế độ độc tài quân sự được Mỹ hỗ trợ và chỉ đạo.

Che Guevara chọn Bolivia để thực hiện lý tưởng của mình. Không thiết lập được mối liên hệ với các lực lượng cách mạng chân chính, không có sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp quần chúng nhân dân lao động ở Bolivia, đội quân du kích nhỏ của Che Guevara rơi vào tình thế hiểm nghèo giữa những cánh rừng rậm, bị quân đội địa phương săn đuổi, bao vây.

Một ngày đầu tháng 10-1967, Che Guevara và đồng đội rơi vào một trận địa phục kích của quân đội Bolivia. Trận chiến không cân sức đã diễn ra với những tổn thất nặng nề cho quân du kích. Che bị thương và bị địch bắt cùng một số đồng đội.

Hiểu rõ tấm gương cao cả của Che Guevara đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) khuyến cáo quân đội Bolivia lập tức thủ tiêu con người đã trở thành thần tượng cách mạng này. Che Guevara đã bị chúng giết hại và chôn cất bí mật trong ngày 8-10-1967.

CIA đã nhầm. Sau khi chết, tấm gương xả thân của Che Guevara càng được ca ngợi và lan tỏa hơn trên thế giới. Hình ảnh Che Guevara sẽ sống mãi trong lòng nhân dân yêu chuộng công lý và tự do trên Trái Đất này.     

(còn nữa)

 “… Tôi cảm thấy đã hoàn thành phần nghĩa vụ gắn bó tôi với Cách mạng Cuba trên lãnh thổ Cuba, và tôi xin chia tay anh, chia tay các đồng chí, chia tay nhân dân của anh mà giờ đây cũng là của tôi. Bằng lá thư này, tôi xin chính thức từ nhiệm mọi chức vụ trong Ban lãnh đạo Đảng, cùng chức vụ Bộ trưởng, quân hàm Tư lệnh và tư cách công dân Cuba của tôi… Tôi sẽ mang tới những chiến trường mới niềm tin mà anh đã gây dựng cho tôi, tinh thần cách mạng của dân tộc mình, niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong các nhiệm vụ là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở bất cứ nơi đâu… Tại bất kỳ nơi nào dừng chân, tôi sẽ làm trọn trách nhiệm của một người cách mạng Cuba, và tôi sẽ hành động như vậy… Hẹn tới chiến thắng mãi mãi! Tổ quốc hay là chết!...”.

(Trích thư chia tay Fidel Castro của Che Guevara tháng 3-1965)

 

    “…Khoảng 10 năm trước, con đã viết cho cha mẹ một lá thư chia tay khác. Con còn nhớ trong thư đó con than phiền mình chẳng phải là một người lính tốt và cũng không phải là một người bác sĩ giỏi. Việc trở thành một bác sĩ tốt thì giờ đây con không còn quan tâm, và hiện tại con đâu phải là một người lính quá kém cỏi. Về bản chất, con người con không có gì thay đổi, ngoại trừ con có ý thức hơn, Chủ nghĩa Mác đã bám rễ và tinh khiết hơn trong tư tưởng của con. Con tin đấu tranh vũ trang là con đường duy nhất cho các dân tộc tranh đấu vì tự do và con luôn giữ vững niềm tin đó. Nhiều người sẽ nói con là một kẻ phiêu lưu. Đúng là như vậy, nhưng con là người phiêu lưu ở dạng khác. Con thuộc những người dám xả thân để chứng minh cho chân lý. Đây có thể là lá thư chia tay cuối cùng của con. Con không tìm đến cái chết, nhưng khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu phải như vậy, xin cha mẹ nhận từ con cái ôm vĩnh biệt…”.

(Trích thư chia tay cha mẹ của Che Guevara ngày 1-4-1965)

NGUYỄN DUY CƯƠNG, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba