Hậu quả nghiêm trọng
Số liệu thống kê chính thức cho thấy trong năm 2018 có hơn 140.000 thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện internet. CNN dẫn thông tin của Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho biết năm ngoái, có khoảng 30% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 của nước này bị xếp vào nhóm “quá phụ thuộc” vào smartphone, đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” do thói quen sử dụng smartphone của bản thân. Trong khi đó, một số báo cáo chỉ ra rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Theo BBC, nghiện internet là tình trạng khi một người sử dụng internet quá nhiều tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, thậm chí là cả hai. Nghiện internet có thể tác động tới hành vi và cách con người tương tác với thế giới thật. Người nghiện internet có thể mất nhận thức về thời gian hay bỏ qua các nhu cầu cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ. Giống như các chứng nghiện khác, người nghiện internet dễ tức giận hoặc buồn bã mỗi khi không được “lên mạng”. CNN cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng trước mắt, nghiện internet có thể chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của thanh thiếu niên, song về lâu dài, người nghiện internet có thể bị cô lập với xã hội. “Thanh thiếu niên nghiện internet khi trưởng thành sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò xã hội của mình. Điều đó không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân mà đất nước lại phải dành nguồn lực để hỗ trợ họ. Đó sẽ là một thiệt hại kép”, CNN dẫn lời ông Kim Seong-byeok, một quan chức của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc nhận định.
 |
Học sinh Hàn Quốc tham gia các hoạt động “không smartphone” tại một trại “cai nghiện” internet. Ảnh: CNN. |
Vì sao giới trẻ Hàn Quốc nghiện internet?
CNN cho rằng Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất có nhiều thanh thiếu niên suốt ngày “dán mắt” vào smartphone. Việc lạm dụng smartphone đang là nỗi lo chung của thế giới. Một báo cáo công bố vào năm 2017 cho biết có tới 16% trẻ em 15 tuổi tại các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dành hơn 6 giờ để “lên mạng” mỗi ngày sau giờ học. Vào cuối tuần, con số này tăng lên 26%.
Theo CNN, tại Hàn Quốc, áp lực xã hội đang khiến vấn đề thêm trầm trọng. Thanh thiếu niên Hàn Quốc phải đối mặt với khối lượng bài vở nặng nề và có ít cách để tiêu khiển. Sau giờ học ở trường, nhiều em lại phải tham gia các lớp luyện thi, do đó gần như không có thời gian cho các hoạt động khác. Một báo cáo cho biết trong năm 2015, chỉ có 46,3% học sinh Hàn Quốc trong độ tuổi 15 tập thể dục, thể thao trước hoặc sau giờ học-tỷ lệ thấp nhất trong tất cả 36 nước thành viên OECD.
Lee Woo-rin, một nữ sinh 16 tuổi, chia sẻ với CNN rằng cô bé đã sử dụng smartphone để giảm bớt căng thẳng trong học tập: “Em tạm thời quên đi áp lực khi dùng điện thoại. Nhưng khi em ngừng sử dụng, những thứ khiến em căng thẳng xuất hiện trở lại trong tâm trí. Nó trở thành một vòng luẩn quẩn”.
BBC dẫn lời Hawon, một nữ sinh 17 tuổi cho biết nhiều lúc cô bé dành tới 18 tiếng mỗi ngày để xem Youtube: “Việc nghiện xem Youtube ảnh hưởng lớn đến việc học ở trường của em. Em chỉ nói chuyện với bạn bè qua điện thoại chứ không giao tiếp trực tiếp. Em hay ngủ gật trong lớp và thường nổi cáu với mọi người một cách vô cớ”.
Các trại “cai nghiện” internet
Để đối phó với vấn nạn nghiện internet ở giới trẻ, theo CNN, ngay từ năm 2007, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động chương trình “cai nghiện” cho các thanh thiếu niên như Lee Woo-rin hay Hawon. Năm 2019 này, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã tổ chức 16 trại “cai nghiện” internet trên toàn quốc cho khoảng 400 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đối với một số phụ huynh, việc gửi gắm con em vào các trại “cai nghiện” internet là vạn bất đắc dĩ. “Họ gửi con tới đây cũng với mong muốn tột bậc là nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia”, bà Yoo Soon-duk, người phụ trách một trại “cai nghiện” internet cho thanh thiếu niên tại thành phố Cheonan nhận định với CNN.
CNN cho biết các trại “cai nghiện” internet tại Hàn Quốc hoàn toàn miễn phí và người tham gia chỉ phải đóng một khoản tiền 100.000Won (khoảng 84USD) cho việc ăn uống. Có các trại “cai nghiện” internet dành riêng cho nam và nữ với mỗi trại có khoảng 25 em. Theo BBC, khi vào trại “cai nghiện” internet, thanh thiếu niên phải bàn giao tất cả thiết bị điện tử, được khuyến khích tham gia vào các hoạt động thực tế như làm đồ thủ công, thể thao… Các em cũng phải tham gia các buổi tư vấn cá nhân, nhóm và gia đình để thảo luận về việc sử dụng smartphone. “Những hoạt động này giúp các em tìm ra những cách khác để cảm thấy vui vẻ và thư giãn thay vì nhận được những lượt “thích”, “bình luận” trên mạng xã hội hay chiến thắng các trò chơi trực tuyến. Các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên cho các em khi nào thì nên ngừng sử dụng smartphone”, BBC nhấn mạnh.
Chương trình “cai nghiện” internet tại các trại thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần, tùy theo mức độ, tình trạng của người tham gia. Bà Yoo Soon-duk cho biết trong vài ngày đầu tiên, các thanh thiếu niên tại trại “cai nghiện” internet lộ rõ vẻ mặt “đau khổ” khi phải xa “dế yêu” của mình. Nhưng sau một thời gian, các em đã kiểm soát được “cơn nghiện” và “bắt đầu thích giao lưu với bạn bè”. Sau một tháng tham gia một trại “cai nghiện” internet ở thành phố Cheonan, Yoo Chae-rin, nữ sinh 16 tuổi chia sẻ với CNN rằng cô bé chỉ còn sử dụng smartphone khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày so với khoảng 6-7 tiếng như trước đây. “Trước đây, ngay cả khi nghĩ rằng mình nên ngừng sử dụng smartphone, em cũng không thể làm được. Nhưng bây giờ, nếu muốn dừng lại, em có thể dừng lại ngay”, Yoo Chae-rin cho biết.
HOÀNG VŨ