Trong thông điệp chia tay năm cũ và mừng năm mới 2022, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh, đến nay, thế giới đã nắm trong tay tất cả công cụ cũng như nguồn lực để chấm dứt đại dịch Covid-19 và nếu có lựa chọn đúng đắn, thế giới có thể khiến “thảm họa Covid-19” đảo chiều.
Năm vừa qua, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch, ví dụ như phát triển thành công 10 loại vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, đồng thời phân bổ hơn 8,5 tỷ liều vaccine trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự ra đời của những liệu pháp mới đã giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì Covid-19.
 |
Một nhân viên y tế ở Durban (Nam Phi) được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: AFP. |
“Khi thế giới đã bước sang năm thứ ba phải chống chọi với Covid-19, tôi tự tin rằng chúng ta có thể chấm dứt đại dịch này trong năm nay, với điều kiện chúng ta phải cùng nhau thực hiện điều đó... Đây là dịp để chúng ta nhìn lại và tiếp tục nỗ lực hành động để chấm dứt đại dịch trong năm 2022", ông Ghebreyesus nói.
Tuy nhiên, để có thể thành công trong nỗ lực “triệt tiêu hoàn toàn” virus SARS-CoV-2, ông Ghebreyesus kêu gọi các nước áp dụng các biện pháp bài bản và kiên quyết để chặn đứng sự lây nhiễm của virus, đồng thời đẩy mạnh hợp tác chuyển giao vaccine cho những sáng kiến tiêm chủng toàn cầu, hỗ trợ vaccine cho những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Người đứng đầu WHO cũng chỉ rõ tình trạng tích trữ vaccine của một số nước và cho rằng điều này có thể phá hoại sự công bằng về phân phối vaccine. Điển hình là dù đã một năm kể từ khi những mũi vaccine đầu tiên được triển khai, đến nay vẫn còn 3/4 nhân viên y tế ở châu Phi chưa được tiêm chủng. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, chừng nào tình trạng bất bình đẳng về vaccine còn diễn ra thì virus SARS-CoV-2 còn có điều kiện để phát triển đến mức không thể ngăn chặn hoặc dự đoán được.
"Một số nước đã triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường toàn quốc, trong khi mới 1/2 thành viên WHO đạt mục tiêu 40% dân số có miễn dịch trước cuối năm 2021 vì thiếu nguồn cung. Nếu chúng ta chấm dứt bất bình đẳng vaccine, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch và cơn ác mộng toàn cầu mà tất cả chúng ta đang trải qua", Tổng giám đốc WHO chỉ rõ.
Được biết, một trong những mục tiêu mà WHO đặt ra là đến trước giữa năm 2022 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số thế giới.
Những phát biểu đầy lạc quan của Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus được đưa ra trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 288 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 5,5 triệu ca tử vong (tính đến sáng 1-1, theo giờ Việt Nam). Điều đáng lo ngại hơn là dịch bệnh tại nhiều nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chủ yếu do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Cũng liên quan tới sự xuất hiện của biến thể Omicron, kết quả một số nghiên cứu mới nhất cho thấy biến thể này dường như gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 do phổi ít bị tổn thương hơn. Kết quả hai nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nature và trang tin tức khoa học Live Science cho rằng, biến thể Omicron có vẻ như “không xâm nhập vào phổi” của những người bị nhiễm và sinh sôi chậm hơn biến thể Delta.
ANH VŨ