Giải pháp năng lượng mới

Gần đây, hãng tin Bloomberg trích dẫn một tài liệu dự thảo của EU cho biết các quốc gia ở châu Phi như Nigeria, Senegal và Angola có tiềm năng lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chưa được khai thác.

Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến công bố kế hoạch hợp tác năng lượng với các quốc gia Tây Phi và những nhà cung cấp khác như Ai Cập, Israel, Azerbaijan và Australia vào cuối tháng này. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh EU vừa công bố đề xuất gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Moscow trong vòng 6 tháng tới và loại bỏ các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay. 

Không chờ đợi hành động từ liên minh, nhiều nước EU cũng bắt đầu xúc tiến hợp tác năng lượng với châu Phi. Trong đó, Italy - một trong những nước tiêu thụ khí đốt nhiều nhất ở châu Âu - đã đạt được thỏa thuận khí đốt với Algeria và Ai Cập. Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio cũng thăm Mozambique, Cộng hòa Congo hay Angola trong nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác cung cấp LNG mới.

leftcenterrightdel
Một cơ sở sản xuất khí đốt nằm gần thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: Reuters 

Hiện Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng chính cho EU khi đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên để sưởi ấm, sinh hoạt và sản xuất điện của khối. Nhiều chuyên gia và cả quan chức EU từng cảnh báo việc chặn nguồn khí đốt dồi dào, giá rẻ từ Nga sẽ là một viễn cảnh vô cùng khó khăn đối với châu Âu giữa lúc giá cả toàn cầu tăng mạnh và giá LNG ở mức cao.

Dù vẫn chưa nhắm đến việc cấm vận khí đốt tự nhiên của Nga nhưng việc EU hướng tới châu Phi thể hiện sự rốt ráo của Brussels nhằm đa dạng hóa nguồn cung cũng như dần độc lập với ngành năng lượng Nga theo các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Tiềm năng lớn, trở ngại đáng kể

Cuộc chiến khí đốt giữa châu Âu và Nga đang mở ra cơ hội mới cho các quốc gia châu Phi-nơi có trữ lượng khí đốt khoảng 148,6 nghìn tỷ mét khối, chiếm hơn 7% tổng trữ lượng toàn cầu. Hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy ước tính các nước châu Phi có thể sản xuất được 73 tỷ mét khối LNG trong năm 2022.

Dù con số này chỉ bằng phần nửa so với đơn hàng mà châu Âu mua từ Nga nhưng nó lại nhiều hơn đáng kể so với mục tiêu thay thế 50 tỷ mét khối LNG của Moscow bằng các nguồn khác trong năm nay mà EC đặt ra. “Châu Phi không thể lấp đầy khoảng trống về nhu cầu nhập khẩu khí đốt của EU mà Nga để lại nhưng có thể giúp tăng nguồn cung”, Công ty nghiên cứu rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft nhận định.

Algeria đã xuất khẩu khí đốt sang “lục địa già” bằng đường ống đến Italy và Tây Ban Nha ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trước đây chưa từng ở vị trí trung tâm trong các cuộc đối thoại năng lượng toàn cầu như Angola, Nigeria hay Cộng hòa Congo, thì giờ nổi lên như đối tác tiềm năng của châu Âu trong tương lai.

Sự ổn định về chính trị và tài chính ở Senegal và Mauritania đồng nghĩa với việc các dự án được đặt trong trạng thái tốt nhất để sản xuất LNG. Mozambique cũng là nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, với một số công ty năng lượng lớn ở châu Âu đã thành lập các chi nhánh tại đây. Ngoài ra, một số quốc gia ở Vịnh Guinea như Nigeria, Cameroon và Guinea Xích đạo cũng có tiềm năng rất đáng lưu ý.

Tuy nhiên, tờ DW của Đức nêu lên hai trở ngại lớn mà các nước châu Phi đang đối mặt, ngăn cản họ sản xuất và xuất khẩu khí đốt nhiều hơn. Đầu tiên là thiếu cơ sở hạ tầng. Hiện có 4 đường ống trực tiếp vận chuyển khí đốt từ châu Phi đến châu Âu và tất cả đều nằm ở Bắc Phi.

Việc xây dựng thêm những đường ống mới để tăng công suất bơm và kết nối với các khu vực khác như vùng châu Phi cận Sahara sẽ phải mất nhiều năm cùng khoản đầu tư khổng lồ. Tiếp theo là tình hình chính trị không ổn định tại một số khu vực có thể làm “chùn chân” các nhà đầu tư cũng như đình đốn hoạt động khai thác.

Đơn cử, tình trạng bạo lực đã dẫn tới việc tập đoàn TotalEnergies (Pháp) buộc phải tạm dừng xây dựng dự án LNG trị giá 20 tỷ USD tại miền bắc Mozambique vào năm ngoái cùng với đó là nhiều cơ sở bị đóng cửa, hay các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cũng hoạt động mạnh tại khu vực Sahel của châu Phi.

VĂN HIẾU