Tuần trước, hãng sản xuất lốp xe Michelin của Pháp đã phải tạm ngừng hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở châu Âu vì gặp các vấn đề về logistic. Tại Cộng hòa Séc, hơn 20% công ty trong lĩnh vực ô tô đang phải giải quyết những trở ngại liên quan đến vấn đề về logistics vì thiếu các linh kiện, phụ tùng do ảnh hưởng của vòng xoáy khủng hoảng Nga-Ukraine.

Trong khi đó, số lượng các thương hiệu và nhà bán lẻ Mỹ, châu Âu điều chỉnh hoạt động ở Nga liên quan đến căng thẳng tại Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng. Ngoài áp lực từ người tiêu dùng và nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Nga còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây nhằm vào Moscow.

Tại một điểm bán xăng ở Alhambra, bang California (Mỹ) ngày 4-3-2022. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Cách đây vài ngày, ông Don Allan, Giám đốc tài chính của Stanley Black & Decker nói với các nhà đầu tư rằng công ty đang tìm hiểu xem liệu có nên tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Nga nữa không, khi mà sức ép trừng phạt nhằm vào quốc gia này ngày càng gia tăng liên quan tới tình hình Ukraine. “Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ tình hình”, ông Don Allan nói. Tại Nga, họ có khoảng 100 nhân viên với doanh thu hằng năm rơi vào khoảng 150 triệu USD. Công ty cũng còn 30-40 triệu USD hàng tồn kho ở đây. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 24 giờ sau đó, Stanley Black & Decker đã phải đóng cửa hoạt động tại Nga.

Những doanh nghiệp nước ngoài quyết định rút khỏi thị trường Nga như Stanley Black & Decker không hiếm. Theo thống kê của một nhóm nghiên cứu từ Đại học Yale, hơn 300 doanh nghiệp quốc tế lớn đã phải điều chỉnh hoạt động sau những căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga.

Việc đóng cửa và ngừng kinh doanh đang ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên Nga, đồng thời khiến các doanh nghiệp thiệt hại đáng kể. McDonald’s mới đây chia sẻ doanh nghiệp này mất khoảng 50 triệu USD/tháng khi đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng tại Nga. McDonald's có tới 62.000 nhân viên làm việc tại 850 cửa hàng ở Nga.

Ngoài việc tạm thời đóng cửa các địa điểm ở Nga, McDonald’s cũng đã đóng cửa hơn 100 cửa hàng ở Ukraine. Thị trường Nga và Ukraine chiếm khoảng 2% doanh số bán hàng trên toàn hệ thống, 9% tổng doanh thu và 3% lợi nhuận của McDonald’s. Do đó, việc tạm ngừng hoạt động như quyết định trên khiến họ thiệt hại nặng nề.

Tahlia Townsend, luật sư chuyên tư vấn về thương mại quốc tế của hãng luật Wiggin & Dana (Mỹ), lý giải: “Những biện pháp trừng phạt với ngân hàng khiến các doanh nghiệp nước ngoài khó chuyển tiền vào Nga để trả lương cho nhân viên hoặc trả tiền điện, nước, mặt bằng, thanh toán cho nhà cung cấp. Việc rút tiền khỏi Nga cũng không hề đơn giản. Các công ty khó chuyển doanh thu đó về Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào khác mà họ đặt trụ sở".

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài đứng trước lựa chọn khó khăn. Nếu ở lại tiếp tục kinh doanh, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của các thị trường phương Tây, trong khi việc chuyển nhượng cổ phần cũng có nhiều rủi ro và việc rời khỏi Nga đồng nghĩa với khoản thua lỗ lớn.

Ở phạm vi xa hơn, cuộc khủng hoảng này còn tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã rất mong manh sau "cú đánh" của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp châu Âu gần đây lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các linh kiện, phụ kiện quan trọng phục vụ hoạt động sản xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Các nhà sản xuất ô tô của Đức như Porsche, Volkswagen, BMW và hãng chế tạo xe tải MAN cho biết đã cắt giảm sản lượng vì thiếu nguồn cung từ khu vực xung đột. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Continental của Đức cũng cho biết đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở Nga vốn đang phải tạm ngừng hoạt động sang một nơi khác.

Được biết, Nga chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch thương mại của châu Âu với thế giới. Nhưng trong nhiều thập kỷ, đây đã là điểm đến quan trọng của các công ty châu Âu trong một loạt ngành, bao gồm tài chính, nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ và hàng xa xỉ. Hầu hết các tập đoàn lớn của EU đều kinh doanh ở Nga. Do đó, các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng được ví như “con dao hai lưỡi”, ảnh hưởng mạnh đến các lĩnh vực xuất khẩu hàng không, hóa chất, dược phẩm, làm rối loạn nhập khẩu khí đốt và khoáng sản từ Moscow, nhưng cũng tác động ngược đến các doanh nghiệp tại lục địa già.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp vấn đề địa chính trị, đặc biệt là ở Đông Âu vẫn tiếp tục căng thẳng hoặc trầm trọng hơn, không loại trừ khả năng vòng xoáy khủng hoảng sẽ lan rộng, kéo theo những hậu quả lâu dài đối với hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng và nhu cầu, đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

NGỌC HÂN