Còn cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak thừa nhận cuộc đàm phán đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Ông Medinsky cho biết đoàn đàm phán của Nga đã mang theo nhiều tài liệu, trong đó có những thỏa thuận chi tiết. Tuy nhiên, phía Ukraine không ký kết những tài liệu này mà mang về nghiên cứu. Sau cuộc đàm phán không mấy thành công hôm 7-3, đại diện cả hai bên thông báo sẽ sớm nối lại đàm phán. Thời gian và địa điểm cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo chưa được công bố, song sẽ được tổ chức tại Belarus trong tương lai gần, TASS dẫn lời thành viên phái đoàn Nga Leonid Slutsky.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) hội đàm cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (bên phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 7-3 tại căn cứ Không quân Hoàng gia Northolt. Ảnh: The Canadian Press 

Ngay trước thềm vòng đàm phán thứ 3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẵn sàng dừng các hoạt động quân sự "ngay lập tức" nếu Kiev đáp ứng các điều kiện: Ngừng hành động quân sự, sửa đổi hiến pháp để tuyên bố trung lập, công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập. Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia Leonid Slutsky-thành viên phái đoàn Nga nhấn mạnh: Lập trường của Moscow về những vấn đề này "không phải là cơ sở để tham vấn thêm, mà là nền tảng không thể lay chuyển".

Về phía Kiev, Chánh văn phòng quốc hội Ukraine David Akhramiya, một thành viên đoàn đàm phán cho hay, Moscow và Kiev có thể đạt được một thỏa hiệp trên thực tế đối với tất cả các vấn đề ngoại trừ việc công nhận tình trạng của Crimea và các nước cộng hòa ly khai, bởi điều đó sẽ là "không thể chấp nhận được đối với xã hội Ukraine".

Việc các bên duy trì quan điểm cứng rắn trước các vòng đàm phán là dấu hiệu cho thấy kết quả đạt được sẽ không như mong đợi. Dẫu vậy, hai bên cũng đã đạt được một vài tiến triển nhỏ về hoạt động hậu cần sơ tán dân thường.

Interfax dẫn lời tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Nga cho biết, từ 10 giờ sáng 8-3 (giờ Moscow), Nga tuyên bố ngừng bắn và sẵn sàng bảo đảm các hành lang nhân đạo từ 5 thành phố của Ukraine (gồm Kiev và Chernihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol) qua Gomel, Belarus-nơi những người sơ tán sẽ được đưa đến Nga bằng đường hàng không, hoặc tiếp tục sơ tán về phía nam Ukraine.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 5 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa XIII, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này sẵn sàng tham gia vào quá trình hòa giải nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine: "Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và cũng sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để thực hiện hòa giải cần thiết", The Straits Times đưa tin. Ngày 8-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có cuộc điện đàm chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang tích cực vận động Trung Quốc tham gia vào tiến trình hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngày mai (10-3), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bên lề Diễn đàn ngoại giao tại thành phố Antalya, với sự tham dự của người đồng cấp nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc gặp được tổ chức theo đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm chủ nhật. Trong cuộc gặp này, ông Kuleba cho biết sẽ đề xuất các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga: “Chúng tôi muốn có các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Ukraine và Vladimir Putin vì ông ấy là người đưa ra quyết định cuối cùng”.

Cũng liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ và các đồng minh đang tích cực tìm cách cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nhằm gây tổn hại nặng nề hơn cho nền kinh tế nước này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela để nước này có thể bắt đầu sản xuất nhiều dầu hơn và bán ra thị trường quốc tế. Động thái này một mặt giúp giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào dầu mỏ của Nga, mặt khác cô lập Nga với một trong những đồng minh quan trọng ở Nam Mỹ.

Tuy nhiên, ý định này của Mỹ đang vấp phải sự phản đối của lãnh đạo các nước châu Âu. Đức, Anh, Hà Lan cảnh báo việc đột ngột cấm nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ khiến châu Âu lâm vào tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng một khi chưa tìm được nguồn cung thay thế. CNN dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận, châu Âu không thể bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của mình nếu không nhập khẩu từ Nga, rằng năng lượng của Nga có “tầm quan trọng thiết yếu” đối với cuộc sống hằng ngày của người dân châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm 3 bên với người đồng cấp Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte, cho biết lệnh cấm đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga không thể thực hiện ngay lập tức mà các bên cần có lộ trình cụ thể để giảm dần lệ thuộc và chủ động được nguồn cung nhiên liệu. Còn Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho biết, nước này sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với năng lượng của Nga.

Trong một diễn biến có liên quan, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường thế giới, thậm chí khi đó giá dầu có thể lập ngưỡng 300USD/thùng, TASS dẫn lời ông Novak.

Một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, nếu được thực thi sẽ tác động rất hạn chế đối với Mỹ bởi Nga chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Song nó sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhiên liệu của EU trong bối cảnh Nga cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt và khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của khối này.

Bấy nhiêu dường như vẫn chưa đủ làm tình hình cuộc khủng hoảng tại Ukraine phức tạp thêm. Hôm 7-3, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby công bố sẽ tiếp tục triển khai thêm 500 binh sĩ Mỹ nhằm củng cố lực lượng phòng thủ của NATO tại Ba Lan, Romania, Đức và Hy Lạp. 

HÀ PHƯƠNG