Bloomberg ngày 9-6 dẫn nguồn tin từ một số quan chức châu Âu cho biết, trong khi đa số các nước thành viên EU sẵn sàng ủng hộ trao tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine, Đan Mạch và Hà Lan lại đang thể hiện không đồng tình. Các quan chức Đan Mạch được cho là lo ngại về vấn đề tham nhũng và pháp quyền của Ukraine. Hãng tin này tiết lộ một công hàm ngoại giao trong đó Đan Mạch nói rằng, Ukraine cần phải “cải thiện khuôn khổ lập pháp và thể chế” trong các lĩnh vực dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, bảo vệ người thiểu số và các chính sách chống tham nhũng, trước khi được cân nhắc về tư cách ứng cử viên EU. 

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu cho rằng, thậm chí bước đầu tiên để đạt được tư cách ứng cử viên của Ukraine còn “rất xa vời”. Người đứng đầu Chính phủ Hà Lan cảnh báo việc mang lại cho Ukraine một “con đường nhanh chóng” để trở thành thành viên của EU sẽ không công bằng đối với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro, vốn vẫn là ứng cử viên của EU trong nhiều thập kỷ. Theo giới phân tích, điều mà EU cần tránh là mang tiếng “thiên vị” Ukraine, vì có thể làm đảo lộn các khu vực khác của lục địa và thậm chí không loại trừ khả năng đẩy họ đến gần Nga hơn. 

 Cờ Ukraine và cờ Liên minh châu Âu (ảnh minh họa). Ảnh: intellinews.com

Cùng với Moldova và Gruzia, hồi tháng 2 vừa qua, Ukraine chính thức nộp đơn đăng ký trở thành thành viên của EU ngay sau khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ. Sau đó, hồi tháng 4, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố quyết định về việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine có thể được đưa ra trong vài tuần. Nhưng dự báo đầy lạc quan này đã không thành hiện thực.

Dự kiến ngày 17-6 tới, EC sẽ đưa ra ý kiến về việc Ukraine gia nhập EU và các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận vấn đề này tại Brussels (Bỉ) một tuần sau đó. Dựa trên ý kiến của EC, các quốc gia thành viên phải nhất trí quyết định có cấp quy chế cho Ukraine, Moldova và Gruzia gia nhập EU hay không? Lãnh đạo EU sẽ giải quyết vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Brussels trong hai ngày 23 và 24-6. Quá trình này được dự báo sẽ mất nhiều thời gian và không hề dễ dàng bởi sự chia rẽ ngay trong các nước thành viên EU. Giữa các nước Đông Âu và Tây Âu đang có những bất đồng gay gắt về cách thức và thời điểm Kiev chính thức gia nhập EU.

Hồi tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này đã hoàn thành và chuyển lại cho EU phần 2 của bảng câu hỏi xác định tư cách ứng cử viên trở thành thành viên khối này. Nhà lãnh đạo Ukraine khi đó tuyên bố trong một video trên Telegram rằng: “Hôm nay, chúng tôi đã tiến thêm một bước nữa. Đây là một bước rất quan trọng và không chỉ mang tính hình thức, trên con đường gia nhập EU”. 

Tuy nhiên, trong một tuyên bố hồi đầu tháng 6, bà Ursula von der Leyen khẳng định sẽ không có đường tắt để gia nhập EU. “Các tiêu chuẩn và điều kiện của chúng tôi trong quá trình gia nhập EU phải được đáp ứng”, Chủ tịch EC tuyên bố. Theo bà, quá trình này diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào chính quốc gia xin gia nhập cũng như sự hỗ trợ từ EU. Trong một tuyên bố hôm 9-6, các nhà lãnh đạo của các nhóm chính trị tại Nghị viện châu Âu đã kêu gọi trao quy chế cho Ukraine và Moldova, đồng thời tiến hành một quá trình với Gruzia để đạt được sự thừa nhận.

Cũng cần phải biết rằng quyết định thông qua tư cách ứng cử viên không có nghĩa là tư cách thành viên sẽ trở thành hiện thực. Việc thông qua tư cách ứng cử viên mới chỉ đánh dấu sự khởi đầu của nhiều năm đàm phán, trong đó, các quốc gia ứng cử viên phải chứng minh rằng họ tôn trọng những giá trị dân chủ cơ bản, có thể kinh doanh hiệu quả trên thị trường duy nhất và đã thông qua tất cả luật pháp châu Âu. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia ứng cử viên từ năm 1999, song tư cách thành viên vẫn còn xa đối với Ankara. Tiến trình đàm phán trên thực tế đã bị đình trệ suốt nhiều năm qua. 

Cho đến nay, một số quốc gia EU và cả giới chuyên gia đều cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của liên minh sẽ phải mất nhiều năm. Các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng của EU đòi hỏi phải được sự nhất trí của tất cả quốc gia thành viên, điều này thường không dễ dàng bởi 27 nước thành viên theo đuổi những ưu tiên khác nhau. 

Bên cạnh đó, còn một trở ngại đáng kể là cuộc xung đột Nga-Ukraine đang kéo dài hiện nay. Theo chuyên gia Jacob Kirkegaard, Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ): Điều kiện tiên quyết cho một quá trình gia nhập có ý nghĩa sẽ không thể thiếu một thỏa thuận hòa bình thực tế được ký kết với Nga, trong khi cuộc xung đột vẫn chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt.

XUÂN PHONG