EU tuyên bố đã chi 216 tỷ euro (232,8 tỷ USD) cho các biện pháp ứng phó BĐKH, qua đó đạt mục tiêu dành ít nhất 20% ngân sách giai đoạn 2014-2020 cho chống BĐKH. Tuy nhiên, các kiểm toán viên cho biết con số này trong thực tế chỉ vào khoảng 144 tỷ euro, tương đương 13% tổng ngân sách.
Kiểm toán viên Joelle Elvinger thuộc ECA nhấn mạnh: “Không phải tất cả các khoản chi cho khí hậu trong ngân sách của EU đều thực sự liên quan đến hành động khí hậu”.
 |
EU được cho là đã bỏ lỡ mục tiêu chi ít nhất 20% ngân sách giai đoạn 2014-2020 cho chống BĐKH. Ảnh: eupoliticalreport.eu |
Lấy ví dụ đơn giản như việc EU báo cáo 80% chi tiêu ngân sách của khối trước năm 2020 được sử dụng để hỗ trợ ngành nông nghiệp ứng phó với BĐKH. Nhưng theo các kiểm toán viên, chỉ có một số biện pháp của EU là có hiệu quả chống BĐKH, chẳng hạn như tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất, trong khi các biện pháp khác như đa dạng hóa cây trồng được đánh giá ít có tác động tới môi trường.
Cũng theo ECA, phương pháp theo dõi chi tiêu cho khí hậu của EU còn tồn tại nhiều điểm yếu do không đánh giá được hiệu quả thực tế của các dự án. Nếu không khắc phục, EU có thể sẽ không đáp ứng được mục tiêu dành 30% ngân sách giai đoạn 2021-2027 và 37% ngân sách quỹ phục hồi Covid-19 cho các hành động khí hậu.
Ứng phó với BĐKH là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU. Khối đã đặt ra những mục tiêu đầy thách thức về khí hậu và năng lượng, điển hình là “Thỏa thuận Xanh châu Âu” với mục tiêu tham vọng là đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (chỉ tiêu khí thải bằng 0) vào năm 2050.
Thỏa thuận này đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng, nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và cả ngoại giao.
Những năm gần đây, Lục địa già liên tiếp bị “tấn công” bởi những hiện tượng thời tiết cực đoạn do tình trạng BĐKH gây ra, đơn cử như trận lụt lịch sử năm 2021-một trong những thảm họa thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của cho các quốc gia châu Âu. Đây là lý do châu Âu đang không ngừng nỗ lực đưa khí hậu thành trọng tâm của mọi sáng kiến kinh tế và phát triển.
Tuy nhiên, có thể thấy giữa lên kế hoạch và hiện thực hóa những mục tiêu tham vọng vẫn còn một chặng đường dài. Hồi tháng 5 vừa qua, các nhà lập pháp trong Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của EU về việc cấm bán xe mới chạy xăng và diesel từ năm 2035.
Đây là đề xuất nằm trong gói biện pháp chống BĐKH mà EU đưa ra nhằm chuyển đổi nền kinh tế của khối từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng. Tuy nhiên, ủy ban này vẫn chưa thể thống nhất ý kiến đối với đề xuất cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 từ ô tô vào năm 2030 so với mức năm 2021.
Con đường để EU tiến tới chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch cũng gập ghềnh không kém. Thực tế gần đây cho thấy các quốc gia trong khối đã có sự chia rẽ sâu sắc về lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga, dù trước đó Ủy ban châu Âu (EC) từng công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu nhập từ Nga vào năm 2027.
Những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa khối 27 quốc gia đi đúng hướng trong việc trung hòa khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 là không thể phủ nhận. Nhưng để hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng này cần phải có những bước giám sát chặt chẽ và hiệu quả.
Báo cáo của ECA đã chỉ ra những điểm hạn chế trong thực tế chi tiêu ngân sách cho khí hậu của EU, đồng thời nêu bật những thiếu sót trong hệ thống đánh giá của EU khi không thể bảo đảm đồng tiền bỏ ra mang lại kết quả đúng với mục tiêu.
Theo các kiểm toán viên ECA, các khoản hỗ trợ nhằm ứng phó BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp bị thổi phồng nhiều nhất, với số chênh lệch gần 60 tỷ euro so với thực tế. 26% các khoản hỗ trợ nông nghiệp của EU có liên quan đến khí hậu, tương đương khoảng một nửa tổng chi tiêu cho khí hậu của EU. Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tại EU không giảm kể từ năm 2010.
Đây thực sự là những con số đáng lưu ý nếu EU muốn biến mục tiêu châu Âu “xanh” trở thành hiện thực trong thời gian tới.
HÙNG HÀ