Thỏa thuận này được cho là sẽ dọn đường để gói trừng phạt thứ 6 mà EU đề xuất áp dụng với Nga được thực thi, trong đó có việc ngắt ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế SWIFT.

"Thỏa thuận này có nghĩa là cắt giảm ngay lập tức hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga...", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố.

Trên thực tế, 2/3 lượng dầu EU nhập khẩu từ Nga qua đường biển, 1/3 còn lại qua đường ống Druzhba, như vậy lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng ngay đối với lượng dầu nhập khẩu qua đường biển. Mức cấm vận sẽ tăng lên 90% khi Ba Lan và Đức-hai nước có kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba-ngừng nhập khẩu qua tuyến đường ống này vào cuối năm nay. 10% còn lại tạm thời được miễn cấm vận để Hungary cùng với Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn nhập khẩu được dầu thông qua tuyến đường ống vốn không dễ dàng thay thế này.

Các nhà lãnh đạo EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Brussels (Bỉ), ngày 30-5. Ảnh: AP 

 

Budapest cũng được các nhà lãnh đạo EU trấn an rằng, các biện pháp khẩn cấp sẽ được áp dụng "trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn đột ngột" sau những lo ngại của Thủ tướng Viktor Orban về những rủi ro có thể xảy ra đối với đường ống dẫn dầu của Nga tới Hungary.

Việc mặc cả lệnh cấm nhập khẩu dầu cho thấy một cuộc đấu tranh trong nội bộ EU nhằm nới rộng các biện pháp trừng phạt khi rủi ro kinh tế đối với châu Âu ngày càng gia tăng, vì rất nhiều quốc gia EU phụ thuộc vào dầu thô của Nga.

Cũng trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU, qua một bài phát biểu trực tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự bất bình khi cho rằng các nhà lãnh đạo EU đã quá mềm mỏng với Moscow. 

Trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn cung dầu mỏ của Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay có thể tăng cường sử dụng đường ống dẫn dầu Adria ở Croatia để cung cấp dầu cho Hungary thay cho đường ống dẫn dầu từ Nga. 

Thế giằng co trong cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga vẫn đang tiếp diễn, trong bối cảnh vào đầu tháng 5, EU đề xuất lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga song lại tuyên bố ngừng trừng phạt khí đốt tự nhiên của Nga. Theo Rystad Energy, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga được dự đoán sẽ tạo ra khoảng 80 tỷ USD doanh thu thuế cho Moscow trong năm nay. Về phía mình, trong những tuần gần đây, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” như Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Bulgaria... với lý do những nước này đã từ chối thanh toán các hợp đồng khí đốt cho Nga bằng đồng rouble. 

Trong một động thái có liên quan, ngày 31-5, giá dầu thế giới đã hướng tới mức tăng hằng tháng lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Dầu thô Brent đạt gần 123 USD/thùng, chạm mức cao nhất trong hai tháng. Kể từ khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu, EU liên tiếp áp đặt các gói trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh trừng phạt về nhiên liệu, đúng vào thời điểm nhu cầu thế giới tăng cao làm cạn kiệt kho dự trữ và đẩy giá nhiên liệu lên mức cao nhất mọi thời đại.

Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga, với 27% lượng dầu thô nhập khẩu vào EU đến từ Nga. Khi giá nhiên liệu leo thang do chiến sự Ukraine, ước tính các nước EU đã phải trả 23 tỷ USD mỗi tháng cho lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Các nguồn cung dầu thô khác cho EU, nếu có, cũng sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn cũng như tốn nhiều thời gian hơn để vận hành. Tình trạng thiếu dầu mỏ và khí đốt là một nguy cơ hiển hiện trước mắt, nó đồng thời cũng bộc lộ khả năng dễ bị tổn thương của EU khi mà giá nhiên liệu gần như tác động đến mọi nền kinh tế và cuộc chiến năng lượng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

HÀ PHƯƠNG