Năm 2022 là mốc đánh dấu 50 năm kể từ hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường – con người – Hội nghị Stockholm 1972. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 5-6 hằng năm là Ngày Môi trường Thế giới, đồng thời thành lập Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). Trong đó, Thụy Điển là quốc gia đăng cai tổ chức Ngày Môi trường Thế giới 2022. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, vào ngày 2 và 3-6-2022 bởi Chính phủ Thụy Điển với sự hỗ trợ của Chính phủ Kenya.

Hướng tới hội nghị, hàng loạt các hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân. Việt Nam là một trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu.

UNDP cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp tại Việt Nam. Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, các cuộc tham vấn quốc gia sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26) đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. 

Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe phát biểu tại hội thảo. 

Tại hội thảo, một số mục tiêu được đặt ra bao gồm: Làm thế nào để đạt một được hành tinh khỏe mạnh vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người? Làm thế nào để tạo điều kiện phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid 19… Trong đó, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cũng nhấn mạnh về việc Việt Nam có cơ hội lớn trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi cần thiết theo hướng bền vững, đặc biệt là những tham vọng của Chính phủ về mục tiêu đưa lượng rác thải ròng bằng 0, và Hội nghị Stockholm là một trong những dấu mốc quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết. 

Đại diện phía Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đóng vai trò đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết những mục tiêu tham vọng về biến đổi khí hậu, giảm rác thải. Ngoài ra, chúng tôi cũng lồng ghép các nghị định, chính sách, yêu cầu mới theo nghị định quốc tế, đồng thời tổ chức cho các địa phương lồng ghép mục tiêu về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững vào trong hoạt động kinh doanh của mình nhằm giảm tác động biến đổi khí hậu. Với cam kết của Thủ tướng Chính phủ trong COP26, sẽ rất khó để đạt được những mục tiêu này nếu không phát huy nội lực, nội tố của nền kinh tế tuần hoàn”.

Cũng trong buổi hội thảo, UNDP cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp cho thanh thiếu niên hiểu về biến đổi khí hậu.

Tin, ảnh: THUỲ ANH - DIỄM QUỲNH