Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Toàn ngành đã triển khai toàn diện nhiệm vụ năm 2021, qua đó, tạo thế và lực để hướng đến năm 2022 với tâm thế mới để thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới.

Hơn ai hết, ngành tài nguyên và môi trường phải thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, trở thành những người tiên phong trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Toàn ngành quán triệt sâu sắc phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả” trong năm 2022.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị.

Năm 2021, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện đồng bộ chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. Trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật đất đai năm 2013, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy thu hút đầu tư xã hội hóa cho hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, dự báo; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai…

Bộ cũng thực hiện linh hoạt trong triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với tác động của đại dịch Covid-19, tập trung thanh tra đột xuất đối với những vấn đề nóng từ thực tiễn nhất là về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bộ tài nguyên và môi trường đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022 và giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa carbon; đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên. Bộ sẽ tiếp tục chủ động, tích cực trong ngoại giao môi trường, tài nguyên, khí hậu; thúc đẩy hợp tác, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững…

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương đồng thời ghi nhận những kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2021.

Về phương hướng của ngành cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, Phó thủ tướng cơ bản nhất trí với các mục tiêu mà ngành đặt ra. Phó thủ tướng lưu ý ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung khắc phục có hiệu quả một số tồn tại hạn chế liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ; chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022. Theo Phó thủ tướng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nội dung Luật đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những nút thắt, tạo ra động lực mới thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.

 Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị bộ cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc. Bộ cũng cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050…

“Ngoài ra, để bảo đảm phát triển bền vững, cùng với việc định hướng, lựa chọn công nghệ hiện đại trong phát triển các ngành kinh tế trong giai đoạn tới, ngành tài nguyên môi trường phải thực hiện thật tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.” Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa ban hành Quyết định số 2652/QĐ-BTNMT ngày 31-12-2021 công bố 9 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2021:

1. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là chủ đề quan trọng tại các Chương trình Nghị sự cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

2. Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ tại COP26.

3. Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

4. Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị về công tác khí tượng thuỷ văn.

5. Tài nguyên nước được quản lý theo quy hoạch tổng hợp.

6. Đổi mới, tăng cường và hội nhập quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

7. Thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao, đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

8. UNESCO công nhận 2 khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng được gia nhập mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

9. Cần Thơ đoạt giải thưởng “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”; nhiều cá nhân đoạt giải thưởng quốc tế lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

LÊ HIẾU