Thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) phải loay hoay để bảo đảm có đủ năng lượng trước mùa sưởi ấm và tình trạng bất ổn đối với an ninh nguồn cung khí đốt từ Nga. Các nước trong khu vực buộc phải tìm đến LNG từ Mỹ, Qatar hay Trung Quốc như một nguồn thay thế trước mắt.

Công ty nghiên cứu thị trường Kpler có trụ sở ở Brussels (Bỉ) thống kê, nhập khẩu LNG của EU đã tăng 60% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Giữa bối cảnh đó, các tàu chở LNG cũng “đắt hàng” không kém.

 Nhu cầu về tàu chở LNG trên toàn cầu đang ở mức rất cao. Ảnh: The Wall Street Journal

Mới đây, tờ The Wall Street Journal dẫn báo cáo của hãng tư vấn năng lượng và vận chuyển đường biển Poten & Partners (Mỹ) cho biết, hiện chỉ còn một tàu chở LNG sẵn sàng cho thuê với hải trình duy nhất trong khu vực châu Á trong vòng hai tháng tới. Trong khi đó, các tàu chuyên hoạt động trên tuyến Đại Tây Dương đã kín lịch. Việc tranh giành tàu chở LNG đã tạo thêm một thách thức khác đối với châu Âu, nơi chính phủ các nước đang chạy đua đạt mục tiêu lấp đầy những cơ sở lưu trữ cho mùa đông sắp đến.

Nhằm đáp ứng những hợp đồng vận chuyển, các doanh nghiệp khai thác tàu chở LNG cũng đầu tư mua thêm nhiều tàu chuyên dụng. Theo công ty vận tải biển Clarkson (Anh), khách hàng đã thanh toán 24,1 tỷ USD cho các đơn đặt hàng tàu chở LNG mới từ đầu năm đến nay, vượt qua con số của cả năm 2021 là 15,6 tỷ USD. Thống kê cho thấy, hiện tại có 257 tàu đang nằm trong danh sách đặt hàng trên toàn cầu.

Thậm chí, ngành công nghiệp đóng tàu ở Hàn Quốc-nhà sản xuất tàu chở LNG lớn nhất thế giới-sẽ không còn công suất đóng mới cho các đơn đặt hàng mới cho đến năm 2027. Giá thép tăng cao và công suất nhà máy đóng tàu hạn chế cũng góp phần làm đội giá các tàu chở LNG, với giá đóng mới lên tới 240 triệu USD/chiếc so với 190 triệu USD/chiếc của một năm trước đây. 

Thực trạng cung không đủ cầu khiến giá thuê các tàu chở nhiên liệu tăng chóng mặt. Theo công ty phân tích dữ liệu Spark Commodities (Singapore), giá thuê của các tàu LNG từ giữa tháng 9 đến tháng 11 tới đây đã tăng lên hơn 105.000USD/ngày, so với con số 64.000USD/ngày ở thời điểm hiện tại và 47.000USD/ngày vào một năm trước.

“Giá tàu chở nhiên liệu cao hơn và tỷ lệ thuê tàu tăng làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị LNG. Điều đó cũng đẩy giá LNG toàn cầu đã ở mức cao lại càng tiếp tục tăng”, chuyên gia Kaushal Ramesh tại hãng tư vấn Rystad Energy (Na Uy) đánh giá.

Cùng với đó, nhu cầu đối với kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU)-dùng để lưu trữ và thực hiện công tác giao nhận khí LNG trên biển-cũng tăng lên. Giá thuê FSRU đã tăng lên 200.000USD/ngày, cao gấp đôi so với đầu năm 2021. Các nước châu Âu hiện lên kế hoạch xây dựng 14 FSRU. Việc thiết lập các cơ sở này nhanh hơn việc xây dựng một cảng LNG chuyên dụng vốn thường mất nhiều năm xây dựng và ngân sách đầu tư rất lớn.

Từ cuối tháng 7 vừa qua, lượng khí đốt Nga qua các đường ống tới châu Âu chỉ bằng 20% so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ. Thậm chí, tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) vừa thông báo ngừng cung cấp vô thời hạn khí đốt cho EU qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) do trục trặc kỹ thuật.

Để bù đắp nguồn cung từ Moscow, EU sẵn sàng chấp nhận mua LNG trên thị trường giao ngay từ mọi nguồn với giá cao hơn, đồng thời, các thành viên của khối cam kết giảm 15% tiêu thụ khí đốt tới tháng 3 năm sau. Thực tế, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhu cầu về LNG và các tàu chở nhiên liệu đã ở mức cao do thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện và nhiều nền kinh tế tìm cách dần loại bỏ than đá để giảm phát thải khí carbon.

VĂN HIẾU