Sau khi Anh là quốc gia đầu tiên bắt đầu hỗ trợ Liên Xô chống lại sự xâm lược của phát xít Đức, thì Hoa Kỳ cũng bắt đầu gửi phương tiện vật tư cần thiết trên những đoàn tàu biển đi qua vùng Bắc Cực (việc này xảy ra từ trước khi Liên Xô quyết định tham gia chương trình Lend-Lease vào ngày 11-6-1942). Ban đầu, Đức Quốc xã không để ý nhiều đến tuyến đường này, nhưng với sự gia tăng số lượng tàu chở hàng và tần suất di chuyển các đoàn tàu, hải quân và không quân Đức bắt đầu cho thấy là mối đe dọa lớn, có thể khiến cho nguồn cung bị cắt đứt hoàn toàn.
Ngay vào mùa hè năm 1941, Bộ tham mưu Hải quân Liên Xô và Bộ tư lệnh Hải quân Anh đã đạt được các thỏa thuận “Về việc phân định các khu vực hoạt động, đồn trú của tàu Anh tại các cảng của Liên Xô và những tín hiệu nhận dạng chung”.
Phía Anh chịu trách nhiệm chính về việc hộ tống các đoàn tàu, bởi Hạm đội Phương Bắc của Liên Xô không có các tàu mặt nước cỡ lớn. Trong khi đó, các thủy thủ Xô viết có nhiệm vụ bố trí thêm lực lượng bảo vệ khi tàu Anh tới gần các cảng đến, cũng như rà quét thủy lôi trên các tuyến luồng tàu đi qua.
 |
Đoàn tàu vận tải PQ-17 đi qua vùng biển Bắc Cực. Nguồn: Mil.ru. |
Nhiệm vụ thứ hai của phía Liên Xô kể từ ngày 28-1-1942 là yểm trợ trên không, vì phía Anh không thể điều máy bay chiến đấu đến khoảng cách quá xa như vậy. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Liên Xô và Bộ chỉ huy Anh cũng đã thiết lập liên lạc vô tuyến tại vùng Bắc Cực, nhằm thông tin cho nhau và ra quyết định tác chiến.
Trên biển, sự tương tác với các đồng minh trong việc bảo vệ các đoàn tàu đã được bắt đầu ngay từ cuối tháng 7-1941, khi tàu khu trục của Liên Xô chịu trách nhiệm hộ tống tàu rải thủy lôi của Anh (tàu này cung cấp một lượng lớn mìn từ trường và mìn phóng sâu). Tháng 8 năm đó, hoạt động tuần tra chung đã được thiết lập trên vùng biển Barents giữa các tàu ngầm của Liên Xô và Anh. Và rất lâu trước khi có lệnh yểm trợ trên không cho các đoàn tàu vận tải, vào cuối tháng 8, phi đội Liên Xô do Đại úy Boris Safonov và các phi công Anh do Thiếu tá Miller chỉ huy đã đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời ở vịnh Kola.
Tình hình ở Bắc Cực trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa xuân năm 1942, khi quân Đức tăng cường đáng kể lực lượng tại Na Uy, trước hết là để tấn công các đoàn tàu biển. Những chiếc tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm, oanh tạc cơ và máy bay tiêm kích đã được điều động đến đây.
Chiến dịch lớn đầu tiên diễn ra vào tháng 5-1942, khi lực lượng yểm trợ của Liên Xô và Anh phải vận dụng hết khả năng và sự dũng cảm của mình để bảo vệ đoàn tàu PQ-16. Khi đến gần đảo Medvezhiy, đoàn tàu đã hứng chịu các cuộc không kích dữ dội của quân Đức. Quân địch trên biển bị các tàu khu trục đánh bật, trong khi tham chiến trên không có Trung đoàn không quân Cờ đỏ Cận vệ số 2 của Hạm đội Phương Bắc dưới sự chỉ huy của Trung tá Boris Safonov, người được hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Các phi công đã bắn rơi 10 máy bay ném bom của địch, ngăn chúng tiếp cận đoàn tàu ở khu vực Murmansk. Bản thân Trung tá Safonov cũng đã bắn rơi 3 chiếc máy bay địch trong trận này.
Sau thảm kịch xảy ra với đoàn tàu vận tải PQ-17, mà nguyên nhân chính là do những quyết định sai lầm của Bộ tư lệnh Hải quân Anh, Bộ tư lệnh Liên Xô đã điều động hơn 300 máy bay để yểm trợ trên không cho đoàn tàu PQ-18 tiếp theo (đây là đoàn tàu biển lớn nhất trong những năm chiến tranh). Trong thời gian diễn ra tất cả các cuộc không kích ồ ạt và các cuộc tấn công của tàu ngầm, đã có 27 trong tổng số 40 tàu vận tải đến được những cảng biển của Liên Xô. Trong điều kiện ác liệt như vậy thì đây được coi là một thành công. Ngoài ra, các phi công còn bắn rơi 41 máy bay địch, đồng thời 3 chiếc tàu ngầm cũng bị đánh chìm.
Cuối mùa Thu năm 1942, lực lượng phát xít Đức ở phía Bắc bị suy yếu do tình chiến sự nghiêm trọng tại Stalingrad. Như vậy, có thể nói rằng, đỉnh điểm hoạt động của quân Đức nhằm chống lại các đoàn tàu vận tải biển ở Bắc Cực đã diễn ra vào mùa hè và đầu mùa thu năm 1942. Hơn nữa, chúng buộc phải chuyển lực lượng của mình đến các khu vực trọng yếu của mặt trận.
Sau mỗi chiến thắng của Hồng quân Liên Xô (nhất là sau trận vòng cung Kursk), số lượng máy bay, tàu chiến và tàu ngầm của Đức Quốc xã tham gia tấn công các đoàn tàu vận tải cứ giảm dần. Dĩ nhiên, điều này là do hoạt động tích cực của quân đồng minh (đặc biệt là từ giữa năm 1943) tại lưu vực Địa Trung Hải.
Đoàn tàu vận tải cuối cùng JW-67 theo chương trình Lend-Lease đến vịnh Kola vào ngày 20-5-1945, trong khi đoàn tàu đáp lại RA-67 của Liên Xô rời đi Scotland 3 ngày sau đó, ngày 23-5.
QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)