Chủ đề hiến tạng ở Singapore gần đây trở thành tâm điểm chú ý, sau khi truyền thông đưa tin về trường hợp thương tâm của học sinh Isaac Loo, 14 tuổi, bị đột quỵ khi đang chạy cự ly 2.400m ở trường. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận Isaac Loo đã hôn mê, chết não và mẹ của cậu, bà Fiona ban đầu đồng ý hiến tạng của Isaac Loo, nhưng sau đó đã thay đổi quyết định. “Tôi không thể chịu được khi nghĩ tới điều đó. Isaac đã hôn mê suốt 3 tuần. Tôi không thể đưa ra quyết định cắt đi một phần cơ thể khiến con đau đớn thêm lần nữa”, Channel News Asia dẫn lời người mẹ đau khổ.

 Một ca ghép tạng tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, khi biết còn hàng trăm bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng với hy vọng mong manh về một cơ hội thần kỳ giúp họ kéo dài sự sống, bà Fiona cuối cùng đã đồng ý. Những ca ghép tạng sau đó cứu sống thêm 3 bệnh nhân nhờ lòng dũng cảm và sức mạnh nhân ái của người mẹ.

Với dân số 6 triệu người, con số hơn 500 bệnh nhân chờ ghép tạng của Singapore không phải là ít. Trong đó, một số bệnh nhân ngày càng yếu đi và có nguy cơ tử vong trước khi được ghép tạng.

Tại Mỹ, năm 2023 có hơn 46.000 ca ghép tạng được thực hiện, song vẫn còn hơn 100.000 bệnh nhân chờ ghép tạng. Cứ 8 phút lại có một bệnh nhân thêm vào danh sách chờ và mỗi ngày có 17 ca tử vong do thiếu tạng để ghép. Số lượng bệnh nhân cần ghép tạng ngày một tăng lên, song người hiến tạng lại ngày càng khan hiếm.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, một người chết não có thể hiến được 8 tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tụy; ngoài ra còn có giác mạc và các mô khác của cơ thể...). Điều đó có nghĩa là, mô tạng từ một người cho chết não có thể giúp cứu sống 8 bệnh nhân và cải thiện tình trạng y tế cho 75 bệnh nhân khác. Trong khi đó, người cho khỏe mạnh chỉ hiến được một mô/tạng, chưa kể những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau này. Bởi vậy, nhu cầu về mô tạng từ người cho chết não là rất lớn.

Ở Canada, bệnh nhân chạy thận phải chi trung bình 60.000USD/năm cho điều trị, trong khi một ca ghép thận tốn 23.000USD, cộng với 6.000USD/năm cho thuốc chống thải ghép dùng suốt đời. Tính ra, người bệnh tiết kiệm được 31.000USD trong năm đầu tiên và 54.000USD cho mỗi năm sau đó, nếu được ghép thận thành công. Điều vô giá là họ có thể trở lại cuộc sống bình thường mà không còn phải chịu đựng đau đớn...

Trước tình trạng khan hiếm tạng, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện tình hình, trong đó có việc áp dụng hệ thống lựa chọn tham gia: Tất cả công dân Singapore được mặc định là đồng ý hiến tạng, trừ khi họ phản đối. Dữ liệu thống kê cho thấy, chỉ khoảng 3% người Singapore phản đối hiến tạng. Tiếp đó là áp dụng mức độ ưu tiên: Người phản đối hiến tạng sẽ bị giảm mức độ ưu tiên trong trường hợp chính họ cần được ghép tạng. Điều này dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” và bảo đảm quyền lợi cho những người chọn đóng góp cho cộng đồng.

Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực, Singapore vẫn nằm trong số những nước có tỷ lệ hiến tạng rất thấp: 3,56 người/ 1 triệu dân (số liệu năm 2022), trong khi tỷ lệ bình quân trên thế giới là 6,84. Tại Tây Ban Nha, nơi có tỷ lệ hiến tạng cao nhất thế giới, con số này là 47,02.

Có không ít nguyên nhân được cho dẫn tới tình trạng trên. Khác với phương Tây, người châu Á vốn có truyền thống coi trọng các mối quan hệ gia đình gắn bó, cũng như chịu ảnh hưởng của quan niệm “chết phải toàn thây”, e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi họ chết. Ngoài ra, chưa có nhận thức rõ ràng rằng hiến tạng là văn hóa, là trách nhiệm và lòng nhân ái đối với cộng đồng. Quyết định hiến tạng có thể phải trả giá bằng rất nhiều cảm xúc, nhất là khi cha mẹ là người lựa chọn hiến tạng con. Ngay cả nếu một người lúc còn sống đã đồng ý hiến tạng, song chỉ cần một thành viên gia đình phản đối, việc hiến tạng cũng không thể thực hiện.

Theo tạp chí Frontiers in Public Health, sự thiếu hụt về kiến thức-ví dụ như ít ai biết chết não là không thể phục hồi-những cân nhắc về văn hóa và tôn giáo, tác động về mặt cảm xúc từ cái chết của người thân... là những lý do khiến tỷ lệ hiến tạng ở Singapore và nhiều quốc gia khác rơi vào mức thấp.

Một trong những biện pháp khắc phục là chính phủ các nước cần thúc đẩy việc hỗ trợ tâm lý. Tại Tây Ban Nha, các điều phối viên được đào tạo chuyên nghiệp sẽ giao tiếp hiệu quả với gia đình để thảo luận xem bệnh nhân có sẵn sàng hiến tạng hay không, tôn trọng quyết định đó kể cả khi họ từ chối. Cùng với đó, cần áp dụng những ưu đãi tài chính như trợ cấp phí tang lễ, phí điều trị để hỗ trợ gia đình người hiến tạng; cũng như tăng/giảm mức độ ưu tiên đối với người đồng ý/phản đối hiến tạng khi chính họ cần được ghép tạng.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.