Từ khi mạng xã hội ra đời, cách các nhà lãnh đạo tương tác với người dân đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, việc Giáo hoàng Francis đưa ra các dòng trạng thái trên mạng xã hội bằng 9 thứ tiếng khác nhau, Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng Twitter để thông báo về các quyết sách chính trị hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau có phần hỏi, đáp trực tuyến với công dân thông qua Snapchat đã chẳng còn xa lạ.
Ở chiều ngược lại, người dân cũng có thể dễ dàng theo dõi các bình luận, quan điểm của các nhà lãnh đạo về những vấn đề nổi cộm trên thế giới, từ bầu cử tổng thống Mỹ đến câu chuyện Jerusalem, cuộc trưng cầu độc lập Catalonia... thậm chí hình ảnh đời sống thường ngày của họ trên mạng xã hội. Nhờ vậy, các nhà lãnh đạo trở nên dễ tiếp cận hơn và vì thế, đáng tin hơn trong mắt người dân.
 |
Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa đăng tải hình ảnh chuyến thăm Ấn Độ của ông cùng gia đình trên Instagram. Ảnh: instagram.com |
Trong các cuộc bầu cử, mạng xã hội lại càng phát huy sức mạnh của mình. Với khả năng đăng tải các thông tin và hình ảnh về những chính trị gia tranh cử cho hàng triệu người cùng một lúc, mạng xã hội làm cho chiến dịch vận động bầu cử dễ dàng và bớt tốn kém hơn. Chỉ cần bỏ thời gian trau chuốt hình ảnh và câu từ, chiến dịch bầu cử đưa chính trị gia vào mỗi gia đình qua màn hình điện thoại hoặc máy tính.
Từng là ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đánh giá mạng xã hội có uy lực hơn số tiền người ta đã bỏ ra khi cho rằng phương tiện này đã giúp ông truyền tải thông điệp tới các cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhà lãnh đạo này cho rằng với số lượng gần 100 triệu người theo dõi trên Twitter, Facebook, Instagram…, ông đã có được hệ thống truyền thông riêng và có thể trực tiếp nêu ý kiến với người dân.
Trong khi đó, đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người được ví là “Ông vua Facebook”, mạng xã hội là nơi thông báo về nội dung các chuyến công du nước ngoài của ông và chia sẻ quan điểm về các vấn đề mà ông quan tâm. Đặc biệt, ông luôn lắng nghe và coi trọng những ý kiến góp ý của người dân trên các trang mạng xã hội của mình. Cũng chính Thủ tướng Modi đã đề nghị các bộ trưởng Ấn Độ sử dụng mạng xã hội như một phần công việc của họ để có thể kết nối với người dân nhằm giải quyết nhanh chóng các thắc mắc và kiến nghị của công dân.
Không chỉ sử dụng mạng xã hội vào các vấn đề đối nội, theo hãng tin Hindu Times, Thủ tướng Ấn Độ cũng thường xuyên chụp ảnh với lãnh đạo của các quốc gia mà ông đến thăm. Đôi khi ông còn dùng những bức ảnh này như một món quà đặc biệt. Chẳng hạn, ông Narendra Modi từng gửi một bức ảnh ông chụp cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua mạng xã hội để chúc mừng sinh nhật người đồng cấp Trung Quốc. Nhiều nguyên thủ thế giới khác như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long... cũng đang sử dụng truyền thông xã hội như một kênh ngoại giao của riêng mình.
Dẫu chứa đựng nhiều lợi ích, song mạng xã hội cũng được đánh giá là con dao hai lưỡi khi thường xuyên tán phát những thông tin thất thiệt, giả mạo tác động xấu đến người dân, ngoài ra đây cũng là vùng đất màu mỡ cho những tư tưởng cực đoan nảy nở và lan tràn. Nhiều chuyên gia thậm chí còn đánh giá thay vì mang lại sự tiến bộ, mạng xã hội đang rải đầy "thuốc độc" cho người sử dụng. Việc lộ thông tin cá nhân, gây chia rẽ xã hội là việc xảy ra như cơm bữa tại các quốc gia có đông người dùng mạng xã hội.
Điều này đặt ra các thách thức không nhỏ cho những nhà lãnh đạo thế giới, buộc họ phải đưa ra các biện pháp cụ thể. Cách đây không lâu, Tổng thống Pháp đã phải tuyên chiến với nạn tung tin thất thiệt một cách có chủ ý trên internet. Trong khi đó, Đức cũng ra luật xử phạt nặng hành vi lan truyền tin giả và các mạng xã hội chậm trễ hay không hợp tác trong việc gỡ bỏ thông tin giả mạo. Nhiều quốc gia thậm chí còn buộc các đại gia công nghệ như Facebook, Google và Twitter phải cam kết gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp và những thông tin độc hại hoặc mang tính cực đoan, hay đề xuất biện pháp đánh thuế các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do quy mô quá lớn và không biên giới của các thông tin trên mạng xã hội, những biện pháp chế tài cần phải đi kèm việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì mới mang lại hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo, những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước cũng cần cân nhắc nghiêm túc về cách tiếp cận và sử dụng mạng xã hội cũng như cách truyền tải thông điệp của họ trên mạng xã hội, tránh để lại những hệ lụy không mong muốn.
HÀ LAN