Tờ The Economic Times cho biết được trưng bày tại sự kiện là các sản phẩm của ngành CNQP Ấn Độ như xe thiết giáp, radar, thiết bị mô phỏng, đạn... Trong khi đó, theo AFP, các phái đoàn quân sự đến từ 31 quốc gia châu Phi, trong đó có Ethiopia, Ai Cập, Kenya, Morocco, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, còn được tham quan các loại máy bay trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa... do Ấn Độ sản xuất.

"Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nổi lên như là một nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu. Ngành CNQP Ấn Độ có thể hợp tác nhằm đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng của các quý vị", tờ The Economic Times dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu tại sự kiện.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (hàng đầu, chính giữa) cùng giới chức quân đội nhiều nước châu Phi tại sự kiện ở thành phố Pune. Ảnh: PTI

AFP cho biết không phải ngẫu nhiên sự kiện trên được tổ chức tại thành phố Pune. Trên thực tế, thành phố Pune chính là trung tâm sản xuất quốc phòng trọng yếu của Ấn Độ. Trong những năm qua, Ấn Độ đã chi hàng tỷ USD cho ngành CNQP nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu, đồng thời còn phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu. Ấn Độ đặt mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu quốc phòng hằng năm lên mức 5 tỷ USD trong vài năm tới. Theo tờ The EurAsian Times, Ấn Độ hiện xuất khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm quốc phòng sang khu vực Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á.

Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng tại châu Phi đối với các sản phẩm quốc phòng hiện đại nhằm ứng phó với hàng loạt thách thức về an ninh như chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, bạo loạn, trang mạng Military Africa cho rằng những sản phẩm của ngành CNQP Ấn Độ với mức giá phải chăng trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các quốc gia vốn không đủ tiềm lực tài chính để mua các sản phẩm quốc phòng tương đương nhưng đắt đỏ do phương Tây sản xuất. AFP dẫn lời ông S.P.Shukla, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất quốc phòng Ấn Độ cho biết những sản phẩm mà ngành CNQP nước này quảng bá sang thị trường châu Phi chủ yếu "mang bản chất phòng vệ", như xe thiết giáp, radar, thiết bị viễn thông...

Cùng với đó, những bước tiến mà Ấn Độ đạt được trong việc bảo trì, sửa chữa cùng nhiều hỗ trợ khác khiến các sản phẩm quốc phòng mà nước này xuất khẩu trở thành "một lựa chọn đáng tin cậy và đáng đồng tiền bát gạo" đối với quân đội các quốc gia châu Phi.

Theo Trung tướng James Mugira, Trưởng đoàn quân đội Uganda tham dự sự kiện tại thành phố Pune, trong bối cảnh hợp tác quốc phòng giữa châu Phi và Ấn Độ "vẫn chưa được khai thác triệt để và cần được ưu tiên", khu vực này cũng cần được "trao cần câu thay vì trao con cá". "Với mục tiêu hỗ trợ các đối tác châu Phi tự đáp ứng những yêu cầu về quốc phòng của mình, Ấn Độ cam kết chia sẻ kiến thức chuyên môn về nghiên cứu, phát triển và sản xuất quốc phòng", trang mạng Military Africa dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu với giới chức quân đội của 31 quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là xét về xuất khẩu quốc phòng, sự hiện diện của Ấn Độ tại thị trường châu Phi cho đến nay vẫn còn tương đối khiêm tốn. Theo AFP, châu Phi hiện chiếm chưa đến 20% xuất khẩu quốc phòng thường niên của Ấn Độ với các khách hàng chủ yếu như Ai Cập, Ethiopia, Mozambique, Mauritius, Seychelles.

Trong khi đó, tờ The Economic Times dẫn nguồn tin nội bộ của ngành CNQP Ấn Độ cho biết con số này hiện dao động trong khoảng 10-15%. Chính vì vậy, theo trang mạng Military Africa, Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện nói trên với hy vọng trở thành "một nhân tố quan trọng" trong các thương vụ quốc phòng tại châu Phi. "Ấn Độ muốn tận dụng sự hiện diện gia tăng của mình tại châu Phi không chỉ để xuất khẩu nhiều hơn những sản phẩm quốc phòng mà còn tạo đà tiếp cận thêm các thị trường mới, tăng cường hơn nữa sự hiện diện trên phạm vi toàn cầu", trang mạng Military Africa nhận định.

HOÀNG VŨ