Theo Bloomberg, hiện có một lượng dầu mỏ kỷ lục của Nga đang nằm trên các tàu chở dầu và dự kiến một số lượng dầu lớn chưa từng có sẽ được chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc. Bloomberg cũng dẫn lời các chuyên gia ước tính rằng thời gian vừa qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua hàng triệu thùng dầu thô từ Nga với giá ưu đãi. Đồng thời, tổng lượng dầu mỏ từ Nga xuất sang hai khách hàng lớn nhất châu Á này cũng tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4 vừa qua, phần lớn là do lượng mua từ Ấn Độ tăng lên.

Bên trong một cơ sở lưu trữ khí đốt của Tập đoàn Gazprom.Ảnh: Bloomberg. 

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang hạn chế nhập khẩu dầu mỏ của Nga kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, trong năm ngoái, Nga đã cung cấp gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước thành viên EU vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, hiện EU đang thảo luận các biện pháp nhằm cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga do cuộc xung đột tại Ukraine. Trước đó, Đức đã tuyên bố dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, trong khi Mỹ cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga.

Trong báo cáo công bố tuần vừa rồi, công ty tư vấn FGE nhận định, nếu EU đồng ý thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, khối lượng dầu thô trên biển sẽ tăng thêm do hoạt động thương mại đường biển của Nga với châu Á tăng lên.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng tự tin nói rằng, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt của nước này dự tính tăng thêm 1.000 tỷ ruble (khoảng 14,4 tỷ USD) trong năm nay. Phát biểu trên truyền hình, ông Siluanov cho biết, theo dự báo của Bộ Tài chính và Bộ Phát triển kinh tế Nga, trong năm 2022, nước này sẽ có thêm 1.000 tỷ ruble doanh thu từ dầu khí và Chính phủ Nga thậm chí đã lên kế hoạch chi tiêu từ khoản thu này.

Trong một thông tin liên quan, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ngày 29-5 cho biết, lượng khí đốt mà tập đoàn này vận chuyển tới châu Âu thông qua Ukraine qua cửa khẩu Sudzha hiện ở mức 44,1 triệu mét khối, tăng so với mức 43,96 triệu mét khối của một ngày trước đó. Mặc dù vậy, theo thông báo của Gazprom, đề nghị cung cấp khí đốt qua một cửa khẩu chính khác là Sokhranovka đã bị phía Ukraine từ chối. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại rằng nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine sẽ bị cắt đứt đúng vào thời điểm giá năng lượng đang tăng mạnh. Hiện Ukraine vẫn là tuyến trung chuyển chính cho khí đốt của Nga đến châu Âu.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Moscow, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa đạt được đột phá do sự phản đối của Hungary. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức nhận định, EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga trong những ngày tới hoặc tìm kiếm các công cụ khác trong trường hợp không đạt được nhất trí. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây phát biểu rằng, những hành động không nhất quán của châu Âu đã dẫn tới thu nhập của Nga từ dầu mỏ và khí đốt tăng lên.

ANH VŨ