Đây là lý do châu Á được ví như vườn ươm tỷ phú, nơi có tốc độ tăng dân số “giới siêu giàu” nhanh nhất thế giới.
Cuối tháng 9 vừa qua, doanh nhân người Ấn Độ Gautam Adani trở thành người châu Á đầu tiên vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh. Khi đó, với khối tài sản 149,8 tỷ USD, vị tỷ phú Ấn Độ chỉ đứng sau ông chủ hãng xe điện Tesla Elon Musk-người sở hữu khối tài sản 254,6 tỷ USD. Đây là cột mốc quan trọng trong bối cảnh số lượng người giàu tại châu Á đang tăng lên nhanh chóng.
Ông Adani là tỷ phú có khối tài sản tăng nhanh nhất trong giới lắm tiền nhiều của trên thế giới. Theo trang The Times of India, riêng trong năm 2022, tài sản của ông Adani đã tăng thêm 60,9 tỷ USD, nhiều gấp 5 lần so với con số của những cá nhân giàu có khác.
 |
Từ trái qua, Mukesh Ambani, Gautam Adani và Zhong Shanshan. Ảnh: Nikkei Asia |
Hồi tháng 3, khi Forbes công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2022, ông Adani mới chỉ đứng ở vị trí thứ 11. Vậy mà tới cuối tháng 8, ông đã vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới, vượt qua tỷ phú Bernard Arnault-CEO “đế chế” hàng xa xỉ Pháp LVMH. Hiện tại, theo xếp hạng thời gian thực của Forbes, ông Adani vẫn vững vàng ở vị trí thứ ba thế giới. Tài sản hiện tại của ông được ước tính khoảng 131 tỷ USD.
Lâu nay, top 10 danh sách những người giàu nhất thế giới vốn luôn được thống trị bởi các doanh nhân người Mỹ. Trường hợp của ông Adani đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đại gia châu Á. Hay nói như Nikkei Asia, người châu Á đang không ngừng leo lên đỉnh của bậc thang giàu có toàn cầu.
Điều này có thể nhận thấy rõ ràng hơn khi nhìn vào bảng danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Trong số hơn 2.400 người được liệt kê, có tới 951 tỷ phú thuộc khu vực châu Á. Số còn lại nằm ở Bắc Mỹ (777 người), châu Âu (536 người) và một số khu vực khác.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số lượng tỷ phú với 719 người, tiếp theo là Trung Quốc (440) và Ấn Độ (161). Mười quốc gia thành viên ASEAN có tổng số 114 tỷ phú, trong khi Hàn Quốc có 28 và Nhật Bản 27 tỷ phú.
Đáng chú ý, những nền kinh tế châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ có tốc độ "sản sinh" ra nhiều tỷ phú hơn hẳn so với các quốc gia khu vực châu Âu và Mỹ. Điều này được các chuyên gia lý giải là do người giàu tại các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tích lũy tài sản nhanh hơn ở những khu vực khác. Một phân tích dữ liệu được sử dụng trong Báo cáo tài sản toàn cầu do Credit Suisse công bố hồi tháng 9 cho thấy, giá trị tài sản do 1% người giàu nhất nắm giữ đã tăng 11 lần ở Ấn Độ và 34 lần ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2021, so với 3,6 và 1,2 lần tương ứng ở Mỹ và Nhật Bản.
Theo Credit Suisse, số lượng người giàu tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới nhờ nhu cầu nội địa và phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng này dự báo số lượng triệu phú-những người có tài sản từ 1 triệu USD trở lên-cũng sẽ tăng gần gấp đôi tại Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2026, so với năm 2021.
Với sự phát triển năng động bậc nhất thế giới, châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ là khu vực dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Theo dự báo của S&P Global Ratings, khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng thực tế khoảng 3,5% vào năm 2023, trong khi châu Âu và Mỹ có thể sẽ đối mặt với suy thoái. Khi ấy, nếu đà "sản sinh" tỷ phú của châu Á vẫn được duy trì, không loại trừ khả năng châu lục này sẽ có những gương mặt dẫn đầu trong top tỷ phú của thế giới.
NGỌC HÂN