Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ, chính phủ nước này đã tung ra gói cứu trợ kinh tế cho người dân. Đạo luật cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) quy định mỗi người đóng thuế sẽ nhận được khoản hỗ trợ 1.200USD, nếu có thu nhập dưới 75.000 USD/năm. Các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ nhận được hỗ trợ 2.400USD.

Nhưng theo tổ chức báo chí phi lợi nhuận ProPublica có trụ sở tại New York (Mỹ), dựa trên những số liệu của cơ quan thuế vụ Mỹ, trong số những cái tên được nhận tiền hỗ trợ đợt đầu lại có không ít tỷ phú, điển hình là nhà thiện nguyện George Soros, người sở hữu tài sản trị giá 7,5 tỷ USD và Ira Rennert, người sáng lập Tập đoàn Renco, một đế chế công nghiệp với doanh thu hằng năm ước tính 5 tỷ USD. Ngoài ra, Timothy Headington, ông trùm dầu mỏ, nhà phát triển bất động sản và giám đốc sản xuất các bộ phim ăn khách như “Argo” và “World War Z”, có khối tài sản trị giá 1,4 tỷ USD, cũng nhận được khoản tiền hỗ trợ Covid-19.

Tỷ phú Soros đã trả lại tiền hỗ trợ nhận được từ chính phủ. Ảnh: Reuters 

Hiển nhiên, những người lắm tiền nhiều của này chẳng hề đòi hỏi được hỗ trợ khó khăn. Đại diện của George Soros cho biết, tỷ phú người Mỹ không đề nghị được trợ cấp và đã ngay lập tức trả lại tờ séc hỗ trợ. Một số tỷ phú khác cũng làm điều tương tự.

Vậy lý do vì đâu các tỷ phú Mỹ cũng có thể nhận tiền hỗ trợ vốn dành cho người có thu nhập thấp và trung bình? Theo lý giải của ProPublica, các tỷ phú đã tận dụng các khoản khấu trừ thuế phức tạp và các lỗ hổng khác để giảm thiểu thu nhập, nên với cơ quan thuế Mỹ, họ có thu nhập ròng dưới 0, do vậy, nghiễm nhiên đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ. ProPublica cũng tiết lộ có khoảng 270 người thuộc giới siêu giàu đã sử dụng phương thức này để biến mức thu nhập xuống con số âm, cho dù họ có tổng thu nhập từng được tiết lộ là 5,7 tỷ USD/năm.

Nghe tưởng chừng rất vô lý, nhưng đây là thực tế đã và đang diễn ra tại xứ cờ hoa. Thông tin ProPublica thu được từ Sở Thuế vụ (IRS) cho thấy cách các tỷ phú như Jeff Bezos, Elon Musk và Warren Buffett phải trả ít thuế thu nhập so với khối tài sản khổng lồ của họ. Cụ thể, vào năm 2007, Jeff Bezos, khi đó là một tỷ phú và hiện là người giàu thứ hai thế giới, đã không phải trả một xu thuế thu nhập liên bang. Ông cũng đã đạt được "kỳ tích" một lần nữa vào năm 2011.

Năm 2018, Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk, người giàu nhất thế giới hiện nay, cũng không phải trả thuế thu nhập liên bang. Tỷ phú Carl Icahn thì có hai lần không phải đóng thuế trong khi George Soros không phải trả thuế thu nhập liên bang trong 3 năm liên tiếp.

Dữ liệu mà ProPublica thu thập được đã một lần nữa phơi bày góc khuất về sự bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội Mỹ. Viện Chính sách Kinh tế và Thuế bình luận trên Twitter về thông tin của ProPublica: “Điều hổ thẹn này là lý do chúng ta cần cải cách thuế thực sự”.

Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch áp thuế dành cho tỷ phú dựa trên cơ sở những người giàu nhất Mỹ cần trả tiền thuế nhiều hơn. Dự kiến, đề xuất thuế mới ảnh hưởng đến khoảng 700 tỷ phú Mỹ có tài sản hơn 1 tỷ USD hoặc thu nhập 100 triệu USD mỗi năm trong 3 năm liên tiếp. Phía Đảng Dân chủ khẳng định, khoản thuế này sẽ giúp tài trợ cho chính sách xã hội, phân phối lại tài sản từ những người giàu nhất nước Mỹ cho các tầng lớp khác, cũng như hỗ trợ cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden. 

Theo CBS News, tổng tài sản ròng của 700 tỷ phú Mỹ đã tăng 2.000 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu và giá các tài sản khác tăng trong mùa dịch. Đây được cho là cơ sở để Đảng Dân chủ thúc đẩy kế hoạch áp thuế mới. Tuy vậy, kế hoạch này đã vấp phải ý kiến phản đối trong giới siêu giàu cũng như từ phía Đảng Cộng hòa, với lý do nó sẽ ngăn cản sự đổi mới và tinh thần kinh doanh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, những đề xuất thuế mới gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với các vụ kiện và thách thức pháp lý khác nhau, đặc biệt là trở ngại từ phía tòa án. Bất kỳ thách thức nào về tính hợp hiến của dự luật đều có thể được đưa ra phân xử trước Tòa án Tối cao Mỹ, nơi các thẩm phán bảo thủ chiếm đa số ghế.

NGỌC HÂN