Theo Tân Hoa xã, cổng thông tin tuyển dụng Liepin gần đây đã công bố một báo cáo cho thấy số lượng việc làm và người tìm việc trong lĩnh vực nội dung do AI tạo ra (AIGC) tại Trung Quốc đã tăng vọt trong quý I năm 2024. Cụ thể, số lượng việc làm liên quan đến AIGC đã tăng 321,7% và số lượng người tìm việc tăng gần 947% so với cùng kỳ năm trước.
Khi cuộc đua tuyển dụng nhân tài AI đang nóng lên, mức lương mà các nhà tuyển dụng Trung Quốc đưa ra cũng tăng vọt. Liepin cho biết mức lương trung bình hằng năm cho các công việc liên quan đến AIGC là khoảng 408.700 nhân dân tệ (57.045USD). Trao đổi với Global Times, nhà kinh tế trưởng Liu Gang tại Viện Chiến lược phát triển AI thế hệ mới của Trung Quốc cho biết nhu cầu về những nhân tài thành thạo cả AI và các lĩnh vực chuyên biệt, chẳng hạn như lái xe tự hành, cao đến nỗi lương hằng năm của họ có thể lên tới 2 triệu nhân dân tệ.
Các thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàng Châu, nơi có những công ty công nghệ lớn như Alibaba, Tencent và ByteDance, cung cấp nhiều cơ hội việc làm liên quan đến AI. Trong tháng 5 năm nay, ByteDance đã phát động chiến dịch tuyển dụng Top Seed để thu hút những người có bằng tiến sĩ liên quan đến máy học, AI, mô hình ngôn ngữ lớn và tạo âm thanh, video. ByteDance cho biết họ trả mức lương cao cho nhân sự, mặc dù không tiết lộ con số chính xác.
Bà Pang Shi, Giám đốc Ban việc làm và khởi nghiệp của Viện Khoa học nhân sự Trung Quốc nhận định, việc số lượng việc làm liên quan đến AI và nhu cầu của thị trường đối với nhân tài AI tăng nhanh là kết quả của sự tiến bộ về công nghệ và phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Nhu cầu của thị trường đối với nhân tài AI sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do các công ty đầu tư liên tục và những chính sách hỗ trợ của chính phủ trong lĩnh vực này. “Việc sử dụng rộng rãi AI trong các lĩnh vực đa dạng như chăm sóc sức khỏe, tài chính và giao thông vận tải cũng sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng lực lượng lao động trong lĩnh vực AI của các nhà tuyển dụng”, bà Pang Shi cho biết.
Theo bà, việc tuyển dụng nhân tài AI không chỉ là trào lưu nhất thời mà sẽ là hoạt động thường xuyên trong tương lai. Do đó, những người trẻ tuổi nên thích nghi với xu hướng tuyển dụng này bằng cách theo dõi chặt chẽ sự phát triển của ngành AI và cập nhật kiến thức cùng kỹ năng liên quan.
Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company dự đoán rằng đến năm 2030, nhu cầu về nhân tài AI của Trung Quốc sẽ tăng gấp 6 lần so với mức hiện tại, lên 6 triệu người từ mức 1 triệu người khi các công ty chạy đua để khai thác giá trị tiềm năng của AI trong nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, theo McKinsey & Company, các trường đại học trong và ngoài nước cùng đội ngũ nhân tài hàng đầu chỉ cung cấp khoảng 1/3 số nhân tài cần thiết vào năm 2030, dẫn đến việc thiếu khoảng 4 triệu nhân tài AI.
Để giải quyết vấn đề này, các trường đại học trên khắp Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực bồi dưỡng nhân tài AI. Những trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã thành lập các trung tâm đào tạo AI và triển khai chương trình giảng dạy chung về AI để nâng cao kiến thức cho tất cả sinh viên. Một số chuyên gia đề xuất thành lập các cơ sở đào tạo tích hợp giáo dục-công nghiệp trên toàn quốc với mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và các khu vực kinh doanh để bồi dưỡng các chuyên gia AI.
Trong bối cảnh AI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng các công ty Trung Quốc mà còn nhiều doanh nghiệp ở các nước khác trên thế giới cũng rất coi trọng việc "trải thảm đỏ" thu hút các nhân tài AI.
Ông Zhang Yuejia, Chủ tịch cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin ở Trung Quốc, lưu ý:“Một lực lượng lao động thành thạo công nghệ AI đang trở thành nguồn lực chính trong cạnh tranh kinh doanh vì công nghệ tiên phong này có tiềm năng lớn trong việc cải thiện năng suất, tối ưu hóa quy trình làm việc và đổi mới các sản phẩm, dịch vụ. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh của mình”.
LÂM ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.