Nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng bạo loạn chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua. Bạo loạn nổ ra sau khi mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch trong vụ 3 bé gái bị sát hại tại một lớp học múa ở Southport, rằng nghi phạm là người tị nạn Hồi giáo xin nhập cư vào Anh. Theo luật pháp Anh, danh tính nghi phạm dưới 18 tuổi sẽ không được công bố. Tuy nhiên, trước làn sóng bạo loạn bất ngờ bùng nổ và lan rộng, với bạo lực gia tăng ở cấp độ khó kiểm soát, nhà chức trách Anh buộc phải phá lệ, công khai danh tính nghi phạm 17 tuổi Axel Rudakuban, là người sinh ra và lớn lên tại Anh.
|
|
Ảnh minh họa: Báo Tổ quốc |
Sự phá lệ của giới chức Anh dường như đã quá muộn. Thông tin sai lệch về nghi phạm đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, là cái cớ để phe cực hữu và những kẻ có tư tưởng phát xít, phân biệt chủng tộc lợi dụng, từ đó kích động làn sóng bạo loạn biểu tình chống người tị nạn, chống Hồi giáo. Đây được coi là bước thụt lùi của văn minh nhân loại, sau hàng thập kỷ không ngừng nỗ lực để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc và tôn trọng tự do tôn giáo. Các khách sạn nơi có người tị nạn đang ở, các thánh đường Hồi giáo, trung tâm hỗ trợ người tị nạn, cửa hàng kinh doanh, công sở, địa điểm công cộng... đều trở thành mục tiêu cướp bóc và đốt phá của những kẻ quá khích. Bất chấp hàng loạt biện pháp kiểm soát bạo lực của Chính phủ Anh, đến nay bạo loạn vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Đây không phải là lần đầu tiên sự lan truyền thông tin sai lệch gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với một chính phủ, một quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội được hỗ trợ tích cực bởi trí tuệ nhân tạo (AI), tất cả tạo ra nền tảng thuận lợi giúp thông tin sai lệch, tin giả lan truyền ở phạm vi và quy mô lớn, với tốc độ không thể kiểm soát. Những gì trước đây vốn được coi là riêng tư, thuộc phạm vi bí mật đời sống cá nhân như nhân thân, tôn giáo của mỗi người, nay đều bị phơi bày trên mạng xã hội. Nguy hại hơn, thông tin về những vụ việc lẽ ra chỉ thuộc phạm vi xử lý của nhà chức trách, nay bị biến tấu sai lệch, bị lợi dụng để kích động làn sóng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo, mà các cuộc bạo loạn ở Anh là một ví dụ.
Những gì đang diễn ra ở nước Anh gây bất ngờ không chỉ đối với người dân Anh mà đối với cả thế giới. Nó cũng cho thấy hiểm họa ghê gớm của thông tin sai lệch trên mạng xã hội khi những tin giả kích động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo dễ dàng qua mặt công chúng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bùng phát thành bạo lực trên đường phố. Sẽ còn cực kỳ nguy hại nếu thông tin sai lệch được phát đi từ một cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Bình luận mang tính chất “đổ thêm dầu vào lửa” của tỷ phú Mỹ Elon Musk, ông chủ của nền tảng mạng xã hội X, về bạo loạn tại Anh, rằng nhập cư sẽ dẫn đến nội chiến ở Anh, đã khiến ông trở thành tâm bão hứng chịu vô vàn lời chỉ trích.
Việc bất cứ ai cũng có thể dễ dàng công bố thông tin các loại trên mạng xã hội, sự thiên vị của thuật toán, xu hướng của con người muốn tương tác với nội dung phù hợp với các niềm tin có từ trước..., tất cả góp phần tạo nên mảnh đất màu mỡ cho thông tin sai lệch lan truyền.
Vai trò của AI cũng mang đến những phức tạp mới. AI có khả năng tạo ra nội dung thuyết phục nhưng sai lệch, với công nghệ deepfake giả mạo âm thanh, hình ảnh, đặt ra thách thức to lớn trong việc phân biệt sự thật với sự bịa đặt có chủ đích, là công cụ cho những kẻ có ý đồ thao túng dư luận.
Những hậu quả nhãn tiền, những hiểm họa từ tin giả, từ thông tin sai lệch đặt ra thách thức cho các chính phủ trong việc quản lý các nền tảng kỹ thuật số, cũng như khả năng tự kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, và trên hết, nêu cao trách nhiệm, đạo đức của mỗi công dân trước khi quyết định đăng tải hay chia sẻ công khai bất cứ thông tin nào.
Nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông, rèn khả năng phân biệt đúng-sai, nuôi dưỡng tư duy phản biện, biết đặt câu hỏi và phân tích nguồn, bối cảnh và mục đích của thông tin mình tiếp nhận, đó là những yếu tố cần có ở mỗi công dân trong kỷ nguyên số. Với những người có ảnh hưởng, cần tuân thủ quy trình xác minh, kiểm chứng nghiêm ngặt để bảo đảm thông tin chính xác, khách quan và minh bạch. Cùng với đó là sự đề cao trách nhiệm và đạo đức của các công ty công nghệ, chủ sở hữu các nền tảng mạng xã hội đang rất phổ biến khắp toàn cầu. Có vậy, những hiểm họa từ việc lan truyền thông tin sai lệch mới có thể được ngăn chặn kịp thời.
BÌNH NGUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.