Kevin Lambert là một trong số người Mỹ gốc Hàn sinh ra và lớn lên tại xứ cờ hoa. Cha mẹ anh đã rời Hàn Quốc để theo đuổi "giấc mơ Mỹ" từ nhiều thập kỷ trước. Thế nhưng giờ đây, họ lại chứng kiến thế hệ trẻ thực hiện hành trình ngược lại.

Ngay từ khi còn bé, Kevin đã ý thức được sự khác biệt giữa bản thân với những người bạn cùng trang lứa ở Bắc Carolina, Mỹ. Những nét đặc trưng của người Hàn Quốc mà anh thừa hưởng từ mẹ khiến Kevin luôn cảm thấy bị lạc lõng, khó hòa nhập. Suốt thời thơ ấu (những năm 1980-1990), tất cả những gì Kevin nhận được là câu hỏi của bạn bè về xuất thân và ngoại hình của anh. Cảm giác không thoải mái đó kéo dài đến tuổi trưởng thành và cuối cùng đã thúc đẩy Kevin trở về Hàn Quốc sinh sống vào năm 2009.

 Hành khách tại Sân bay Incheon, Hàn Quốc. Ảnh minh hoạ: Yonhap

Cũng giống như Kevin, gia đình Daniel Oh đã di cư khỏi Hàn Quốc từ khi anh còn nhỏ. Họ chuyển đến Canada rồi đến Mỹ, nơi anh trở thành nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc. Đã hàng chục năm trôi qua, nhưng Daniel (32 tuổi) vẫn nhớ như in những kỷ niệm khiến anh cảm thấy xấu hổ vì bản thân là người nhập cư. “Tôi đã cố gắng rất nhiều để thích nghi, nhưng cho dù bạn nói tiếng Anh giỏi đến đâu, bạn đọc bao nhiêu tài liệu tham khảo văn hóa, bạn đã hòa nhập như thế nào trong lời nói, ứng xử... thì nhìn bề ngoài, bạn vẫn là người Mỹ gốc châu Á”, Daniel chia sẻ.

Năm 20 tuổi, Daniel lần đầu tiên trở về Hàn Quốc, đất nước nơi anh sinh ra đã thay đổi đáng kể so với những gì anh nhớ. Anh không hoàn toàn thoải mái khi nói tiếng Hàn. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, anh thực sự cảm nhận được hơi ấm quê nhà. Sự gắn kết ngày càng chặt chẽ sau mỗi chuyến đi, cho đến khi Daniel 24 tuổi, anh quyết định chuyển hẳn về Seoul.

Theo Cơ quan quản lý người Hàn Quốc ở nước ngoài (OKA), ngày càng có nhiều người giống Kevin và Daniel quay trở lại quê hương để tái định cư sau khi đã có thị thực lưu trú dài hạn hoặc thẻ thường trú ở nước ngoài. Số liệu OKA công bố ngày 13-8 cho thấy, số lượng người Hàn Quốc từ nước ngoài quay về tái định cư ở quê hương có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, con số này là 1.478 người vào năm 2019, 1.676 người vào năm 2020, 1.812 người vào năm 2021, 1.736 người vào năm 2022 và 1.742 người vào năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân khiến họ quay trở về, trong đó chi phí sinh hoạt, an ninh, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe là những yếu tố hàng đầu. Chia sẻ về điều này, YouTuber có tên Captain Seung-người đã sống khoảng 10 năm ở Kansas, Mỹ trước khi trở về Hàn Quốc vào cuối năm 2023-cho biết, có 4 điều khiến cô muốn sống ở Hàn Quốc. Theo cô, ngoài chi phí ăn uống rẻ hơn so với Mỹ, Hàn Quốc còn an toàn hơn. Đất nước này có rất nhiều camera an ninh trên mọi con phố, từng khu nhà. Thêm vào đó, Hàn Quốc có các hệ thống giao hàng nhanh chóng và văn hóa giao hàng cũng khiến cuộc sống trở nên thuận tiện hơn.

Trong khi đó, YouTuber sở hữu tài khoản hyuncouple-người đã quay trở lại Hàn Quốc sau khi chuyển đến Canada vào cuối năm 2018-chia sẻ những khó khăn của cuộc sống nhập cư ở nước ngoài. Anh cho biết: “Thực tế cuộc sống của người nhập cư ở Canada khá khắc nghiệt. Sống ở Hàn Quốc cũng có những ưu và nhược điểm, nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định quay về. Chúng tôi cũng nhớ gia đình ở quê hương”.

Giới chuyên gia nhận định, cảm giác thân thuộc cũng là yếu tố thúc đẩy xu hướng “di cư ngược” này. Giáo sư Seol Dong-hoon, Khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Jeonbuk, bình luận: “Bản năng tự nhiên của con người là có cảm giác thân thuộc với quê hương khi già đi. Ngoài ra, khát khao được trở về quê hương có thể mãnh liệt hơn đối với những người đang gặp khó khăn khi sống ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ từng trải qua nạn phân biệt chủng tộc hoặc rào cản ngôn ngữ”.

Ngoài ra, yếu tố kinh tế cũng thúc đẩy xu hướng này. Theo Giáo sư Seol, Hàn Quốc là một quốc gia phát triển. Bên cạnh cung cấp dịch vụ y tế tốt, những người lớn tuổi muốn quay trở về Hàn Quốc sau khi nghỉ hưu vẫn có thể nhận được lương hưu cơ bản bất kể hoàn cảnh tài chính của họ như thế nào.

Theo The Korea Times, từ năm 2011, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã triển khai hệ thống quốc tịch kép, cho phép công dân Hàn Quốc sống ở nước ngoài có độ tuổi từ 65 trở lên được khôi phục quốc tịch và cư trú tại quê hương, với điều kiện họ không thực hiện các quyền với tư cách là công dân nước ngoài. Điều này đã mở ra cơ hội để những người Hàn Quốc xa xứ có thể trở về định cư lâu dài tại quê hương.

BẢO CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.