Trong một bài viết mới đây, tờ DW cho biết mỗi chai nước muối sinh lý có giá tương đối rẻ nhưng hiện đang rất khan hiếm tại các bệnh viện và hiệu thuốc ở Đức. Đây là một ví dụ cụ thể cho thấy tình trạng thiếu thuốc tại quốc gia châu Âu ngày một trở nên trầm trọng trong những tháng gần đây. “Những gì vốn đã là một vấn đề lớn đối với các bệnh viện trong nhiều tháng qua giờ đây lại ảnh hưởng đến cả việc chăm sóc các bệnh nhân ngoại trú”, ông Thomas Preis, Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ bang North Rhine-Westphalia (Đức) khẳng định với tờ Rheinische Post.

Cơ quan Y tế bang North Rhine-Westphalia xác nhận số thuốc mà các phòng khám ở North Rhine-Westphalia nói riêng và Đức nói chung nhận được trong nhiều tháng qua chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu và con số này gần đây đã giảm xuống còn khoảng 50%. Theo tờ Magyar Nemzet, Hiệp hội Y tế Đức bày tỏ quan ngại trước thực trạng nhiều bệnh viện trên cả nước buộc phải hoãn không ít cuộc phẫu thuật do thiếu thuốc. Phát biểu với báo giới, bà Susanne Johna, Chủ tịch Liên đoàn Y tế Marburger Bund (Đức) chia sẻ, trong bối cảnh thiếu thuốc, đổi thuốc điều trị là chuyện “như cơm bữa” đối với người bệnh do các loại thuốc mà họ thường sử dụng không sẵn có.

Tình trạng thiếu hụt thuốc buộc nhiều bệnh viện phải hoãn không ít cuộc phẫu thuật. Ảnh minh họa/butenunbinnen.de

Tờ Magyar Nemzet cho biết Đức lâu nay thiếu hụt gần 500 loại thuốc, từ thuốc kháng sinh, insulin, thuốc giảm đau, thuốc ngủ cho đến các loại thuốc chuyên biệt. Anadolu Agency khẳng định tình trạng này ảnh hưởng tới khoảng 1,5 triệu người tại Đức mỗi ngày. Tờ DW nhấn mạnh, Đức vốn từng được coi là "nhà thuốc của thế giới", thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh và thuốc trẻ em. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến hồi đầu năm 2024 với các thành viên Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Đức (BVKJ) cho thấy việc điều trị ngày càng trở nên tốn thời gian và có tới 1/3 số người được hỏi tin rằng chất lượng điều trị “đang gặp rủi ro”. BfArM, Cơ quan quản lý dược phẩm của Đức, dự báo tình trạng thiếu thuốc sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. “Nhiều hiệu thuốc lo ngại họ sẽ không thể cung cấp đủ cho người bệnh các loại thuốc thiết yếu trong mùa đông sắp đến. Quy mô của tình trạng thiếu thuốc trên thực tế có khả năng lớn hơn nhiều so với các báo cáo tự nguyện hiện nay”, ông Mathias Arnold, Phó chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Đức khẳng định.

Tình trạng thiếu thuốc ở Đức, theo Anadolu Agency, xuất phát từ việc giá thuốc được quy định tại đây thấp nhất châu Âu. Các hãng dược phẩm lớn của Đức như Bayer, BASF, Boehringer Ingelheim và BioNTech đều là doanh nghiệp đa quốc gia nên họ tập trung cung ứng cho các nước khác để “có được mức giá cao nhất”. Tuy nhiên, tờ Magyar Nemzet cho rằng đó chưa phải là tất cả. Trên thực tế, nguyên liệu sản xuất nhiều loại thuốc phải nhập từ nước ngoài. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng do bất ổn chính trị hoặc thiên tai đều ảnh hưởng tới việc sản xuất thuốc. Cùng với đó là các vấn đề hậu cần. Tờ DW nhận định nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc phức tạp không khác gì việc sản xuất thuốc. Mặc dù thừa nhận “sự liên quan” của nhu cầu sử dụng thuốc gia tăng trong và sau đại dịch Covid-19, song CNN khẳng định gián đoạn chuỗi cung ứng mới chính là “nguyên nhân gốc rễ” của tình trạng thiếu thuốc.

Thiếu thuốc không phải là hiện tượng mới và những gì xảy ra tại Đức không phải là cá biệt. Theo tờ DW, các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng tương tự, nhất là Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. CNN dẫn dữ liệu của Hiệp hội Dược sĩ Mỹ và Đại học Utah (Mỹ) cho biết thiếu thuốc tại nước này đang “ở mức kỷ lục”. Hiệp hội Dược sĩ Mỹ và Đại học Utah bắt đầu thu thập dữ liệu về tình trạng thiếu thuốc tại Mỹ từ năm 2001. Mỹ từng thiếu tới 320 loại thuốc vào năm 2014-một con số cao kỷ lục lúc bấy giờ. Tuy nhiên, kỷ lục đã bị phá vỡ khi Mỹ ghi nhận thiếu hụt 323 loại thuốc trong 3 tháng đầu năm nay. Hiệp hội Dược sĩ Mỹ nhận định tất cả các loại thuốc đều có nguy cơ bị thiếu hụt. “Quản lý sự thiếu hụt thuốc là chưa đủ và không phải là giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng đang trở nên ngày càng trầm trọng này. Còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu thuốc”, CNN dẫn lời ông Paul Abramowitz, người đứng đầu Hiệp hội Dược sĩ Mỹ nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.