Là khu đô thị mới có diện tích lớn nhất, dân số đông nhất và tài nguyên nông nghiệp phong phú nhất của Vũ Hán, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, chăn nuôi và thủy sản của Hoàng Bi luôn đứng đầu thành phố nhiều năm và là trung tâm cho công cuộc phục hồi nông thôn của Vũ Hán. Nhưng trong ký ức của ông Chương Tự Liên và các chuyên gia nông nghiệp địa phương, vùng đất này trước đây rất khác so với ngày nay.
Vào thập niên 1990, khi Chương Tự Liên xuất ngũ trở về quê hương Khương Điếm, các gia đình ở đây đều canh tác theo kiểu “ruộng rẫy” và thu hoạch rất ít ỏi. Nhiều thanh niên trong thôn vì thế đã bỏ quê lên thành phố làm việc. Theo chân chúng bạn, Chương Tự Liên đến Thâm Quyến và khởi nghiệp kinh doanh nhỏ.
Một lượng lớn lao động bỏ quê lên thành phố và hiện tượng đất đai bị bỏ hoang từng là vấn đề nổi cộm cho đến khi Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy việc chuyển nhượng đất đai. Có tình cảm sâu sắc với quê hương, năm 2007, Chương Tự Liên trở về Khương Điếm với số tiền tiết kiệm của mình, bắt đầu kinh doanh nuôi cá và giống cây trồng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông dần dần chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất nhàn rỗi trong thôn và thành lập trang trại gia đình. Tuy nhiên, “đất đai quá manh mún” là vấn đề tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Chương Tự Liên cố gắng san bằng những “cánh đồng” mà ông được chuyển giao. Không có máy san lấp mặt bằng, ông làm việc chăm chỉ từng công đoạn một, năm này qua năm khác.
Năm 2021, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Chương Tự Liên và một số gia đình bắt đầu tiến hành cải tạo đất tập trung, đất liền kề theo tiêu chuẩn cao bằng cách sáp nhập các cánh đồng, nối liền các mương và gia cố đường. “Các khoản trợ cấp chính sách được chuyển đến từng hộ. Các chuyên gia nông nghiệp đến tận nơi để hướng dẫn cho nông dân. Sau khi những cánh đồng nhỏ được sáp nhập thành những cánh đồng lớn, một máy làm đất có thể cày được 20ha mỗi ngày”, ông Chương Tự Liên kể lại.
Hiện nay, trang trại rộng hàng trăm héc-ta của ông trồng đủ loại, từ lúa đến cải dầu... thu nhập hằng năm hơn 1 triệu nhân dân tệ và tạo việc làm cho hơn 50 người dân trong thôn. Ông Chương Tự Liên cũng trở thành một “nông dân mới” được nhiều người biết đến.
 |
Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng rau ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Không chỉ gia đình ông Chương Tự Liên thay đổi mà đời sống nhiều gia đình ở khu Hoàng Bi cũng khấm khá lên. Sau khi “dồn điền đổi thửa” và áp dụng cơ giới hóa, những người nông dân đã chuyển từ làm đơn lẻ sang phát triển theo nhóm. Ông Lý Hồng Phần và vợ ở thôn Đông Phong, Kỳ Gia Loan, sau nhiều năm làm ăn xa nhà đã trở về quê hương để làm nông. Vợ chồng ông xin trợ cấp của chính quyền địa phương để mua máy làm đất, máy gặt, máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp và các thiết bị khác, sau đó hợp tác với nông dân ở khu vực xung quanh để thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ trong vài năm, vợ chồng ông Lý Hồng Phần đã trở thành những người đi đầu về cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương.
Theo ông Lý Hồng Phần, trước đây, việc canh tác, quản lý và thu hoạch chủ yếu dựa vào sức người. Bây giờ, máy móc nông nghiệp được trang bị hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Beidou có thể hoạt động thay thế con người. Hiện nay, hợp tác xã do ông phụ trách có hơn 10 loại máy móc nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của hội viên, hợp tác xã còn cung cấp dịch vụ cho các hộ nông dân khác, với tổng thu nhập hằng năm hơn 400.000 nhân dân tệ.
Với sự trợ giúp của “cánh đồng tốt” và “máy móc thông minh”, nghề làm nông ở Hoàng Bi đã dần chuyển từ “lao động chân tay” sang “lao động kỹ thuật”. Mai Kiến Hạnh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Nông thôn khu Hoàng Bi cho biết, những năm gần đây, Hoàng Bi đã tích cực thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp thông qua đào tạo kỹ thuật và hướng dẫn trợ cấp. Hiện nay, toàn khu Hoàng Bi có hơn 400 trang trại gia đình, sản lượng lương thực hằng năm ổn định ở mức hơn 280.000 tấn.
Điều kiện trồng trọt, phân bón và canh tác được cải thiện đáng kể, máy móc và thiết bị nông nghiệp liên tục được cải tiến đã mang lại những mùa vàng bội thu cho người nông dân. Đặc biệt, ông Chương Tự Liên còn có thêm nguồn thu khác. Đó là những bao gạo chất lượng cao in nhãn hiệu “Chương Tự Liên”. Tự hào về thành quả của mình, ông Chương Tự Liên cho biết, gia đình ông tuân thủ sử dụng phân bón hữu cơ trên các ruộng lúa của mình nên giá trị gạo mang tên ông cao hơn gạo thường. “Ngày nay, cuộc sống người dân đã khá hơn, quan niệm về lương thực cũng thay đổi. Miễn là thực phẩm xanh và lành mạnh thì không cần phải lo lắng về doanh số”, ông Chương Tự Liên nói.
NGỌC MINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.