“Chúng ta đang ở năm 2084, nhiệt độ ở thung lũng Andelle tăng hơn 2,4°C so với hơn 60 năm trước...”, Paloma-giáo viên của Trường ENSP bắt đầu ra đề. Nhiệm vụ mà nữ giáo viên này yêu cầu học trò thực hiện là xây dựng dự án để quy hoạch thung lũng Andelle trở thành môi trường sống lý tưởng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân trên khắp hành tinh.
Đề bài quả là hóc búa khiến các sinh viên lập tức lên mạng tìm kiếm dữ liệu, rồi lao đi khảo sát địa điểm, lấy ý kiến của cư dân sống trong vùng, khám phá hệ động vật và thực vật. Khi trở về, các sinh viên cầm theo những cuốn sổ ký họa, bên trong có những thông số, chi tiết quan trọng để họ phân tích, trước khi trình bày trên giấy... Đó là một trong nhiều giờ học diễn ra hằng ngày ở Trường ENSP.
 |
Sinh viên trường ENSP giới thiệu dự án cải tạo thung lũng Seine. Ảnh: lepoint.fr
|
Được thành lập năm 1976 dưới sự quản lý của Bộ Nông nghiệp Pháp, Trường ENSP là cái nôi đào tạo các nhà thiết kế cảnh quan, đồng thời là trung tâm nghiên cứu về cảnh quan nước Pháp trong tương lai. Theo lời giới thiệu của cô Paloma, sự thay đổi cảnh quan của nước Pháp trong 30 năm qua đều gắn với những công trình nghiên cứu của các cựu sinh viên trường ENSP. Ví dụ như dự án tái phát triển Cape Fréhel-là những vách đá được làm bằng đá sa thạch màu đỏ, đá phiến đen và đá granit màu hồng, nổi tiếng ở Bretagne; công trình con đường dẫn tới ngọn hải đăng Madonetta ở đảo Corse; bến cảng Le Havre; quảng trường Place des Célestins.... “Mới đây, sinh viên năm thứ ba của trường đã đưa ra một dự án táo bạo khi đề xuất cải tạo thung lũng Seine với tham vọng biến nơi này thành không gian xanh để người dân có thể hòa nhập vào thiên nhiên”, cô Paloma nói.
Theo AFP, Pháp là một trong những quốc gia có luật bảo vệ di sản và cảnh quan chặt chẽ nhất trên thế giới. Tuy vậy, thật đáng buồn, Pháp cũng là “nhà vô địch” có nhiều vùng ven đô còn “luộm thuộm” với các khu thương mại và dân cư tràn ngập bảng quảng cáo trái phép và rác thải. Trong những năm gần đây, khi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và tư tưởng của nhiều người mong muốn được sống trong môi trường tự nhiên đã mang lại cho Pháp cơ hội thay đổi. “Cảnh quan đang trở thành một khái niệm chính trị thời thượng và các nhà thiết kế cảnh quan có lẽ đang nắm quyền lực hơn các nhà quy hoạch và kiến trúc sư đô thị”, AFP nhận định.
Giống như nhiều nước láng giềng châu Âu, Pháp đã trang bị cho mình các bản đồ cảnh quan và mỗi bản đồ sẽ được cập nhật 10 năm một lần để phù hợp với tình hình hiện tại. Mặc dù công nghệ ngày càng phát triển nhưng sinh viên Trường ENSP vẫn luôn trung thành với việc vẽ tay, “bởi vẽ cảnh quan là một trải nghiệm thú vị”, Vincent Boisot-sinh viên năm thứ ba của Trường ENSP nói.
Bên cạnh đó, sinh viên Trường ENSP còn phải tham gia vào các khóa học về thủy văn, địa chất, lịch sử đô thị và thực hành làm vườn. Sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có khả năng thiết lập và thực hiện dự án cải tạo cảnh quan ở mọi quy mô, từ việc tái phát triển ngôi làng nhỏ đến một thung lũng rộng lớn để chúng không lỗi thời trong 100 năm tới. Họ phải giúp những người trong bộ máy chính quyền hiểu được sự quan trọng, tầm nhìn rộng và dài hạn cũng như đậm chất nghệ thuật của từng dự án. Một điều quan trọng đối với mỗi kiến trúc sư cảnh quan là phải thuyết phục được người đứng đầu chính quyền địa phương chấp nhận dự án cải tạo cảnh quan của họ.
Alain Freytet-một cựu sinh viên Trường ENSP từng giành được Giải thưởng Cảnh quan quốc gia năm 2022 với dự án tái phát triển Cap Fréhel, chia sẻ: “Để trả lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có của vùng đất Bretagne, trong bản thiết kế, tôi đã đề xuất dỡ bỏ các biển quảng cáo trái phép, lắp đặt các tuabin gió, khử độ mặn của nước biển và làm phục hồi đất...”. Mục tiêu mà Freytet đặt ra trong dự án là biến Cap Fréhel trở thành điểm du lịch hiện đại nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên và phát triển bền vững trong nhiều năm tới. Và kiến trúc sư cảnh quan Freytet đang đi đúng hướng khi dự án của anh đang góp phần giúp Bretagne trở thành vùng đất du lịch xanh, thân thiện với môi trường.
PHƯƠNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.