Sau 5 lần nỗ lực, cuối cùng thì Suzan Beseiso, một phụ nữ mang quốc tịch Mỹ, đã có thể rời khỏi dải Gaza với cảm xúc lẫn lộn, bởi thay cho niềm vui thoát khỏi vùng chiến sự là nỗi lo dành cho những người ở lại. “Tôi không biết liệu tôi sẽ còn được thấy gia đình hoặc những người bạn mà tôi bỏ lại đó hay không?”, bà Beseiso buồn bã nói với hãng tin Reuters.
 |
Ngày 1-11-2023, hàng trăm người có hộ chiếu nước ngoài và những người bị thương đã bắt đầu rời khỏi dải Gaza qua cửa khẩu Rafah, sau khi Ai Cập mở cửa khẩu này lần đầu tiên kể từ khi xung đột giữa phong trào Hamas và Israel bùng phát vào ngày 7-10 vừa qua. Ảnh: TTXVN
|
Dẫu sao, bà Beseiso vẫn may mắn khi nằm trong danh sách những người đầu tiên rời khỏi dải Gaza kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra. Theo CNN, kể từ ngày 1-11 vừa qua, Ai Cập đã bắt đầu mở cửa khẩu Rafah để những người mang hộ chiếu nước ngoài và những người Palestine bị thương có thể đến Ai Cập thông qua cửa khẩu này, dù với con số giới hạn. Đây là kết quả của một thỏa thuận đạt được giữa Israel, Ai Cập và Hamas do Qatar làm trung gian, với sự phối hợp của Mỹ.
Với những người còn đang ở Gaza, họ không còn cách nào khác là từng ngày, từng giờ vật lộn với tình trạng thiếu thốn đủ thứ, từ thực phẩm, nước sạch, thuốc cho tới năng lượng, nhiên liệu. Dù hằng ngày vẫn có các đoàn xe tải chở đồ cứu trợ đi qua cửa khẩu Rafah vào Gaza, nhưng theo nhận định của các tổ chức quốc tế, số hàng này chỉ như “giọt nước trong đại dương” so với nhu cầu rất lớn của người dân ở đây. Ngay cả việc liên lạc bên trong dải Gaza cũng vô cùng khó khăn do mạng viễn thông thường xuyên bị ngắt vì chiến sự.
Điện bị cắt, nhiên liệu thiếu trầm trọng nên các nhà máy xử lý nước thải và khử muối ở dải Gaza buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, khiến nước sạch trở thành thứ vô cùng khan khiến. Ông Salim Oweis, quan chức của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết nhiều gia đình buộc phải cho con em mình sử dụng nước mặn và ô nhiễm, khiến chúng bắt đầu có vấn đề về sức khỏe như bị mất nước và tiêu chảy.
Những gì mà người dân ở Gaza đang phải đối mặt được thể hiện rõ nét qua cuộc sống hằng ngày ở al-Shifa, bệnh viện lớn nhất của thành phố Gaza và hiện là nơi trú ẩn của ít nhất 50.000 người bị mất nhà cửa bởi xung đột. Trong sân của bệnh viện, người ta dùng vải bạt và chăn để dựng lên những chiếc lều tạm bợ.
Ở các hành lang và phòng chờ, nhiều gia đình khác chen chúc nhau trong không gian sinh hoạt chật hẹp và bí bách. Sáng sáng, nam giới và trẻ em mang theo bình nhựa, xếp hàng chờ lấy nước mặn từ một đường ống... Cũng giống như phần còn lại của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza, bệnh viện al-Shifa đang bên bờ vực sụp đổ và chỉ có thể hoạt động nhờ máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời.
“Thật khó khăn cho lũ trẻ, tinh thần của chúng xuống thấp. Chúng không có đủ điều kiện vệ sinh cơ bản và bạn không thể cho chúng những gì chúng muốn. Tôi hy vọng chúng tôi có thể trở về nhà an toàn. Chúng tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường và khỏe mạnh”, Ghaniya Haniyeh, bà mẹ 41 tuổi cùng 8 đứa con đang lánh nạn ở bệnh viện al-Shifa, chia sẻ.
Thực tại bế tắc nhưng người dân ở dải Gaza chẳng biết đi đâu và cũng chẳng thể đi đâu. Bởi, Ai Cập đã nhiều lần phản đối cho phép dân thường ở dải Gaza sơ tán sang nước này do lo ngại rằng họ sẽ không trở lại Gaza khi xung đột chấm dứt, khiến Ai Cập phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn và những mối đe dọa về an ninh.
Khi không có sự lựa chọn nào khác, những cư dân dải Gaza buộc phải sống lay lắt ở đây nhờ những chuyến hàng cứu trợ và hy vọng bom đạn sẽ ngừng rơi, bình yên sẽ sớm trở lại.
CHÂU ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.