Dõi theo những đứa con nhỏ của mình đang ngồi trước căn lều xiêu vẹo trong một khu nghĩa trang vốn đã biến thành trại tị nạn ở thành phố Khan Younis, phía Nam dải Gaza, hì hục đập những mảng bê tông lớn thành bột để bán lấy số tiền ít ỏi phụ giúp gia đình, anh Mo’men Qudeh không cầm được nước mắt.

Đáng lẽ các con của anh đang mặc đồng phục mới, ngồi trên ghế nhà trường để theo đuổi mơ ước trở thành bác sĩ, kỹ sư... chứ không phải nhọc nhằn bươn chải như vậy. Qudeh mất sức lao động do bị thương nặng, còn vợ anh thì thiệt mạng bởi đạn pháo trong lần đụng độ vũ trang giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel vào năm 2014. Trước kia, anh có thể làm những việc nhẹ kiếm sống, nhưng giờ chỉ quanh quẩn trong lều sau khi phải sơ tán đến nơi đây. “Hiện tất cả những gì tôi hy vọng là cuộc chiến sớm kết thúc trước khi gia đình có thể mất thêm bất cứ thành viên nào”, anh Qudeh buồn bã chia sẻ.

leftcenterrightdel

Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Khan Younis, dải Gaza. Ảnh: TTXVN

Tình cảnh của nhà Qudeh cũng chính là đại diện cho thực tại mà hầu hết gia đình Palestine tại Gaza trải qua. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, một năm học mới vừa bắt đầu. Tuy nhiên, trẻ em ở dải đất ven Địa Trung Hải này lại bị tước mất quyền tựu trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Trải qua hơn 11 tháng giao tranh giữa Israel và Hamas, khoảng 1,9 triệu trong tổng số 2,3 triệu người dân Gaza buộc phải rời bỏ nhà cửa, chen chúc trong các khu lều trại thiếu nước sạch và hệ thống vệ sinh, hoặc trong các trường học của Liên hợp quốc và chính quyền Palestine hiện được dùng làm nơi trú ẩn. Đồng thời, đó cũng là từng ấy thời gian học sinh bị ngắt quãng việc học. Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) ước tính khoảng 625.000 trẻ em tại Gaza không được đi học, trong bối cảnh tất cả trường học vẫn đóng cửa và 90% bị phá hủy hoặc hư hại trong các cuộc tấn công do Israel tiến hành nhằm loại bỏ hoàn toàn Hamas.

Trong bối cảnh đó, đa số trẻ em không có lựa chọn nào khác ngoài việc giúp đỡ gia đình trong cuộc đấu tranh sinh tồn hằng ngày. Không khó bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đi chân trần trên con đường đất để mang nước và nhu yếu phẩm từ điểm phân phối về nơi trú ẩn, xếp hàng dài ở bếp ăn từ thiện, hay bán hàng rong trên các con phố bụi bặm, bị tàn phá.

Trong cuộc xung đột tại Gaza, có những đứa trẻ ra đi mãi mãi, trong khi những em còn sống đã bước vào năm học thứ hai không được đến trường. Tình trạng thiếu hụt giáo dục kéo dài sẽ khiến trẻ em khó theo kịp chương trình học và làm dấy lên những lo ngại về một “thế hệ bị bỏ rơi”. Cụ thể, Liên hợp quốc cảnh báo, trẻ nhỏ tuổi có thể bị ảnh hưởng về mặt nhận thức, xã hội và cảm xúc; còn trẻ lớn tuổi hơn thì có nguy cơ cao hơn trở thành nạn nhân của nạn bóc lột, bao gồm tảo hôn, lao động trẻ em hoặc bị các nhóm vũ trang tuyển dụng.

Với việc các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh giữa Hamas và Israel chưa ghi nhận đột phá, không ai dám chắc khi nào những em nhỏ ở Gaza có thể quay trở lại trường học.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.