Trong cuốn sách của mình có tựa đề “Cái chết đen”, tác giả Evgeny Abramov viết về những người lính thủy Liên Xô tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại rằng: “Người Đức đặt cho họ biệt danh “quỷ hắc ám” và “cái chết đen”. Lời hiệu triệu chiến đấu của họ khiến kẻ thù khiếp sợ. Họ không có đối thủ trong những trận đánh giáp lá cà”. Thực tế, quân Đức Quốc xã rất sợ hãi trước những lính thủy Xô viết dám xông thẳng vào trước họng súng máy.
Nguồn gốc biệt danh “cái chết đen”
Có một số giả thuyết về nguồn gốc của biệt danh “cái chết đen”. Có lẽ nó đã xuất hiện vào đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi lính thủy Liên Xô tích cực sử dụng để bù đắp những thiếu sót trong chiến trận. Những đơn vị đặc biệt của thủy quân lục chiến và các thủy thủ lên bờ đã tham gia vào các trận đánh trong suốt cả cuộc chiến. Sau đó họ được thay quân phục bảo vệ trong chiến đấu. Vì vậy, “cái chết đen” là biệt danh ra đời vào thời kỳ đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Trong nhật ký của mình, cả hai tác giả Guderian và Manstein đều nhiều lần đề cập đến sự anh dũng của lực lượng lính thủy Liên Xô. Nhưng đồng thời, nhật ký cũng viết về những kỹ năng chiến đấu không hoàn hảo của họ trên đất liền. Những thủy thủ mặc áo đen dồn dập tấn công các hỏa điểm của quân phát xít Đức, hàng trăm người trong số họ đã ngã xuống dưới làn đạn súng máy.
 |
Lính thủy đánh bộ Liên Xô – nỗi khiếp sợ của quân phát xít Đức. Nguồn: russian7.ru |
Theo một giả thuyết, chính những núi thi thể trong bộ quân phục màu đen còn sót lại sau cuộc tấn công là nguồn gốc ra đời biệt danh đó. “Cứ như thể cái chết đen đã bước qua”, những sĩ quan quân phát xít Đức nói, khi so sánh hậu quả các cuộc tấn công khủng khiếp của lính thủy Liên Xô với hậu quả của bệnh dịch hạch.
Lính thủy đánh bộ hành động
Sau những lần giáp chiến với kẻ địch, các thủy thủ Liên Xô đã có được kỹ năng chiến đấu trên bộ và trở thành đối thủ nguy hiểm thực sự. Hơn nữa, phần lớn trong số họ đều là những thanh niên có thân hình cao lớn, thể lực cường tráng và việc chiến đấu tay đôi với họ là không đơn giản. Quân phát xít Đức kể lại rằng, khi trên chiến trường không vang lên lời kêu gọi “Xung phong!” hay “Ủng hộ Stalin!”, mà là lời hiệu triệu “Polundra!”, thì điều đó có nghĩa là các thủy thủ đang tấn công và trận chiến sẽ rất ác liệt.
Quân Đức Quốc xã không chỉ khiếp sợ trước những lính thủy Xô viết, mà còn sợ cả vũ khí mà họ sử dụng. Bởi lẽ, các thủy thủ lên bờ chiến đấu thường được trang bị vũ khí dồi dào, nhiều người trong số họ còn được cấp súng trường Mosin có lưỡi lê nhọn bốn cạnh. Khác với loại dao lưỡi lê hiện đại hơn, lưỡi lê bốn cạnh này gây ra những vết thương xe rách khủng khiếp kèm máu chảy đầm đìa. Rất ít người có thể sống sót sau khi bị đâm trúng. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, người ta thậm chí còn có ý định cấm sử dụng loại lưỡi lê này vì mức độ nguy hiểm của chúng.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)