Moskva không những là thành phố trung tâm của Liên Xô, mà còn là đầu mối công nghiệp và giao thông quan trọng. Hơn nữa, việc phá hủy hoàn toàn những công trình văn hóa tâm linh như Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ và Lăng Lênin, sẽ có tác dụng tuyên truyền hiệu quả nhất. Điều này sẽ cổ vũ cho các lực lượng quân Đức đang tiến đến ở khu vực ngoại ô Moskva, cũng như làm mất hoàn toàn ý chí phản kháng của người Liên Xô. Tuy nhiên, những trận ném bom với cường độ cao xuống thủ đô Moskva chỉ kéo dài đến mùa hè năm sau, trong khi quả bom cuối cùng rơi xuống thành phố này tận 2 năm trước khi kết thúc chiến tranh.

Trung tâm kháng cự Bolshevik

Chính những cách này đã được Hitler sử dụng khi ngày 14-7-1941, hắn ra lệnh ném bom chiến lược xuống Moskva. Vài ngày sau, Đức tiến hành tuyển chọn những phi công để thực hiện nhiệm vụ đó. Có kinh nghiệm ném bom các thành phố của Anh trước đó, không quân Đức Quốc xã dự tính thực hiện ý đồ của mình một cách ít đổ máu nhất. Bởi lẽ chúng cho rằng, người Nga không đủ pháo phòng không, đèn chiếu và phi công bay đêm để chống đỡ những cuộc tấn công tập trung. Chính vì vậy, chúng đã quyết định ném bom vào ban đêm là chủ yếu. Trước khi xuất trận, một tên chỉ huy phát xít Đức từng nói với lính phi công của hắn: “Hy vọng cuộc dạo chơi sẽ dễ chịu đối với chúng ta”.

Pháo phòng không bảo vệ bầu trời Moskva. Nguồn: russian7.ru 

Ngày 21-7-1941, những tên phi công Đức với vẻ đầy tự tin đã thực hiện đợt tấn công đầu tiên xuống Moskva. Tuy nhiên, trái với mong đợi, chúng gặp phải sự kháng cự quyết liệt. Những tia đèn chiếu dày đặc, bức tường lửa, cũng như những chiếc tiêm kích của Liên Xô xuất hiện trên bầu trời đã buộc nhiều máy bay Đức phải quay trở lại và thả những quả bom sai lệch hoàn toàn mục tiêu mà chúng vạch ra từ trước. Tuy nhiên, ngay cả những tên phi công đã bay được đến trung tâm thủ đô cũng không thể nhìn thấy những ngôi sao đỏ trên Điện Kremlin, Lăng Lênin và những bức tường pháo đài ở đâu. Trước đó, người dân thành phố đã bỏ ra nhiều công sức để ngụy trang và tạo hình các tòa nhà. Lăng của lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới đã được hóa trang thay hình đổi dạng, trong khi những ngôi sao trên Điện Kremlin được che bằng vải bạt. Hơn nữa, quần thể kiến trúc giữa trung tâm thủ đô còn được bổ sung thêm những sân bay, nhà máy và thậm chí cả kho dầu ngụy tạo.

Cùng với quân đội, những người dân cũng tích cực bảo vệ thủ đô của mình. Người Moskva được dạy cách vô hiệu hóa những quả bom, dập tắt các đám cháy, cũng như nhanh chóng sơ tán trong trường hợp bị máy bay địch tấn công. Hầm tránh bom chính của họ là hệ thống tàu điện ngầm Moskva, nơi ngay cả những lúc bị ném bom ác liệt nhất cũng không vấn đề gì. Tại khu vực một số nhà ga, thư viện vẫn hoạt động, các tổ nhóm vẫn sinh hoạt và các bài giảng vẫn diễn ra, cũng như vẫn tổ chức các buổi họp mặt trọng thể mừng thành công của vũ khí Liên Xô trên các mặt trận chiến đấu.

Những tổn thất và hy sinh

Trong hai đêm ném bom đầu tiên, quân Đức Quốc xã tổn thất 37 chiếc máy bay. Cũng trong những ngày kinh hoàng đó, góp phần vào chiến thắng có nhiều anh hùng mà sau này nổi danh trên toàn Liên Xô, cũng như những người hùng thầm lặng, trong đó có phi công Viktor Talalikhin. Sau khi bắn hết đạn và bị thương ở tay, ông đã lao vào máy bay ném bom của quân Đức. Dĩ nhiên, hành động này đã được nhiều anh hùng trong chiến tranh áp dụng, nhưng Talalikhin là người đầu tiên mạo hiểm đối đầu vào ban đêm. Nhờ có sự phối hợp hành động của các pháo thủ cao xạ và máy bay chiến đấu Liên Xô, nên chỉ có 229 chiếc trong tổng số 7.000 máy bay ném bom của quân địch tiếp cận được thủ đô Moskva.

Mặc dù quy mô không kích Moskva còn thua xa những trận ném bom Stalingrad và Dresden, nhưng thành phố vẫn chịu tổn thất nặng nề. Trong tháng 7-1941, khoảng 104 tấn bom đã trút xuống Moskva. Gần 2.000 chiến sĩ bảo vệ thủ đô đã hy sinh trong các cuộc không kích, số người bị thương nặng nhiều gấp 3 lần. Nhiều nhà ở, trường học và bệnh viện bị phá hủy. Ngày 23-7, một quả bom đã phá hỏng một đoạn đường hầm tàu điện ngầm nằm không sâu dưới mặt đất. Chiếc cầu cạn dành cho tàu điện ngầm cũng bị thiệt hại, trong khi vụ nổ ở lối xuống tàu điện trên quảng trường Arbat đã cướp đi sinh mạng của gần 60 người.

Vậy tại sao phát xít Đức không tiếp tục hủy diệt Moskva bằng đường không nữa? Câu trả lời là rất rõ ràng. Mùa đông năm 1942, quân đội Liên Xô chuyển sang phản công trong trận bảo vệ Moskva, khiến quân Đức tháo chạy trên một số khu vực mặt trận. Đại để, khi kế hoạch “Barbarossa” bắt đầu nhanh chóng bị sụp đổ, thì Bộ tư lệnh Đức Quốc xã vẫn chưa thể đạt được những cuộc không kích xuống thủ đô Moskva. Việc hủy diệt thủ đô Moskva đã bị giảm mức độ ưu tiên đáng kể, khi Hồng quân Liên Xô liên tiếp giải phóng nhiều tỉnh thành.

Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là thời tiết mùa đông năm 1941-1942. Giá lạnh kéo về không những làm cản trở bộ binh và xe tăng tiến quân, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tấn công của không quân Đức. Đôi khi còn xảy ra hiện tượng tuyết rơi dày đặc, nên chỉ có thể sử dụng được một đường băng của sân bay. Việc quyết định huy động máy bay tiêm kích từ các mặt trận khác, đặc biệt là từ mặt trận Leningrad để bảo vệ bầu trời Moskva, cũng đóng vai trò quan trọng. Bộ tư lệnh Liên Xô đã chủ ý triển khai chiến thuật này, khi không hỗ trợ bằng đường không những vùng chiến sự khác. Bởi tất cả đều hiểu rõ rằng, kết quả cuộc chiến phần nhiều sẽ được định đoạt trong trận Moskva.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)