Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Jeddah, trong đó tái khẳng định lập trường thống nhất của AL về nỗ lực kiến tạo an ninh và ổn định trên toàn thế giới Arab.

Arab News ngày 20-5 nhận định, Hội nghị thượng đỉnh AL 2023 diễn ra vào thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế sau 3 năm đại dịch, cũng như gánh chịu các tác động từ cuộc chiến ở Ukraine.

Ngay trong thế giới Arab, nhiều diễn biến địa chính trị đang tác động trực tiếp đến các thành viên của khối, như xung đột Palestine-Israel, các cuộc giao tranh ở Sudan, Yemen, Libya, Syria và khủng hoảng kinh tế-chính trị ở Lebanon.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo các nước thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab ở Jeddah (Saudi Arabia), ngày 19-5. Ảnh: AFP

Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit khẳng định, những kết quả đạt được trong hội nghị lần này có thể giúp giải quyết các vấn đề nội khối và củng cố lại sức mạnh đoàn kết trong thế giới Arab, rằng đây sẽ là bước khởi đầu để các nước Arab “tự quyết định vận mệnh của chính mình”.

Hội nghị lần này tiếp đón một vị khách bất ngờ xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, với mục đích vận động sự ủng hộ của các nước Arab đối với Kiev trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi tới Hội nghị thượng đỉnh AL một bức thư, trong đó nêu rõ Moscow rất coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác với các quốc gia Arab.

Đáp lại, Chủ tịch luân phiên AL-Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman-bày tỏ thiện chí với cả hai bên, tái khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Như vậy có thể thấy, vai trò ảnh hưởng của khối AL không còn bó hẹp trong khu vực. Các quốc gia vùng Vịnh đã nỗ lực thể hiện thái độ trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine, bất chấp các biện pháp gây áp lực của phương Tây nhằm cô lập Nga-một thành viên cốt cán trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+).

Sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh AL sau 12 năm gián đoạn cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo giới phân tích, việc Syria tái gia nhập “gia đình Arab” là một phần trong xu hướng đối ngoại cởi mở hơn ở Trung Đông, nơi các đối thủ một thời đang nỗ lực thực hiện những bước hàn gắn mối quan hệ căng thẳng sau nhiều năm xung đột và đối đầu.

“Chúng ta hy vọng việc Syria trở lại AL sẽ đánh dấu chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia này... Chúng ta đang hướng tới hòa bình, tốt đẹp, hợp tác và xây dựng vì lợi ích của người dân và nhằm bảo vệ quyền lợi của các quốc gia thành viên”, Al Arabiya dẫn lời Thái tử Mohammed bin Salman.

Điểm nhấn của hội nghị lần này là việc AL thông qua Tuyên bố Jeddah, trong đó bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của các nước Arab, đồng thời nhấn mạnh xung đột quân sự sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự đau khổ của người dân cũng như kìm hãm sự phát triển của các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố Jeddah cũng nhắc lại việc thực thi Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 để giải quyết xung đột Israel-Palestine, kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng ở Sudan, kêu gọi cải cách nhằm đưa Lebanon thoát khỏi khủng hoảng, ủng hộ sáng kiến thúc đẩy an ninh và ổn định ở Yemen...

Bên cạnh đó, AL khẳng định sẽ tăng cường thực thi các sáng kiến, thúc đẩy hành động chung của khối trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội...; duy trì chuỗi cung ứng các mặt hàng thực phẩm cơ bản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho các quốc gia Arab.

Có thể nói, thành công của Hội nghị thượng đỉnh AL 2023 dưới sự dẫn dắt của cường quốc khu vực Saudi Arabia đã góp phần củng cố sức mạnh đoàn kết của thế giới Arab. Cũng qua đó, quốc gia giàu dầu mỏ-vốn từng chịu ảnh hưởng của Mỹ đối với các chính sách ngoại giao-đang “lội ngược dòng” bằng chính sách đối ngoại độc lập và tạo dựng ảnh hưởng toàn cầu trong vai trò quốc gia kiến tạo hòa bình.

HÀ PHƯƠNG