Theo Báo cáo Tình báo hằng quý về mối đe dọa toàn cầu của Check point software, trong quý I-2024, Nhật Bản tiếp tục đứng thứ 3 về số vụ tấn công mạng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước yêu cầu bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó khác nhau. Không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng, Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch trao đổi cán bộ linh hoạt, cho phép các nhân viên an ninh mạng có thể chuyển đổi công việc dễ dàng giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã công bố “Chiến lược toàn diện về nguồn nhân lực an ninh mạng”. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đã mở rộng thêm một bộ phận đào tạo mới tại Đại học Phòng vệ với mục tiêu đào tạo các sĩ quan chỉ huy chuyên trách về an ninh mạng và bắt đầu tuyển sinh từ tài khóa 2025. Nỗ lực này của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhằm thúc đẩy mục tiêu mở rộng số lượng đơn vị chuyên trách trong Lực lượng Phòng vệ từ 2.200 nhân sự như hiện nay lên 4.000 nhân sự trong năm tài chính 2027.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru trong một tuyên bố đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực an ninh mạng, cho rằng việc bảo đảm đầy đủ số lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là một vấn đề cấp bách đối với Bộ Quốc phòng.
Chiến lược toàn diện về nguồn nhân lực an ninh mạng nhằm bảo đảm có thể tuyển dụng đầy đủ số lượng nhân viên làm việc trong Lực lượng Phòng vệ, theo đó mở rộng quy mô, điều kiện tuyển dụng đối với các ứng viên có chuyên môn trong công tác điều hành và hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Những ứng viên có năng lực chuyên môn cao có thể được bổ nhiệm giữ các chức vụ chỉ huy trong nhiều đơn vị.
Chiến lược này cũng bao gồm việc nới lỏng các tiêu chuẩn kiểm tra về thể lực đối với những ứng viên tại thời điểm nhập ngũ và lực lượng dự bị phòng vệ được tuyển dụng vào các vị trí liên quan đến an ninh mạng.
Với cơ chế mới, Nhật Bản kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép các nhân viên của Lực lượng Phòng vệ có thể tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về an ninh mạng ngay từ sau khi nhập ngũ, thay vì chỉ được đào tạo sau khi tốt nghiệp đại học như hiện nay.
Mặc dù Nhật Bản đang thúc đẩy mở rộng tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực an ninh mạng nói chung, số lượng nhân viên an ninh mạng chuyên trách về quốc phòng vẫn còn hạn chế, chủ yếu do những rào cản về chế độ đãi ngộ. Theo luật hiện hành, mức lương khởi điểm của một sĩ quan làm việc trong Lực lượng Phòng vệ là 243.500 yên/tháng (khoảng 1.500USD), tương đối thấp so với mức lương ở doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, để có thể tuyển dụng thêm nhân sự tài năng đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra quy định mức lương trần đối với nhân viên an ninh mạng lên tới 23 triệu yên/năm (khoảng 142.500USD), tương đương mức lương của Thứ trưởng hoặc Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ.
Nhật Bản cũng đang thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc bảo đảm an ninh mạng giữa bối cảnh Lực lượng Phòng vệ vẫn phải vật lộn với những lo ngại về tuyển dụng và khả năng khai thác sức mạnh của công nghệ mới. Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây đã công bố chính sách cơ bản đầu tiên nhằm thúc đẩy việc sử dụng AI tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trong đó có an ninh mạng.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định, trong những năm gần đây, nước này đang phải đối mặt với các hình thái tấn công kiểu mới, nhất là trên môi trường không gian mạng. Hơn nữa, với tình trạng già hóa dẫn tới thiếu nguồn nhân lực quốc phòng, việc đẩy mạnh ứng dụng AI là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực quốc phòng của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Minoru nói: “Ở đất nước chúng tôi, nơi dân số đang giảm và già đi nhanh chóng, việc sử dụng nhân sự hiệu quả hơn bao giờ hết là điều cần thiết. Chúng tôi tin rằng AI có tiềm năng trở thành một trong những công nghệ có thể vượt qua những thách thức này”.
XUÂN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.