AP ngày 1-5 dẫn tuyên bố của người đại diện ĐH Columbia cho hay, các nhân viên Sở Cảnh sát New York (NYPD) đã được triển khai tới dẹp biểu tình sau khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ lãnh đạo nhà trường. “Sau khi nắm được thông tin Hội trường Hamilton của ĐH Columbia bị người biểu tình chiếm giữ, phá hoại và phong tỏa, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác... Quyết định liên hệ với NYPD là để đáp lại hành động của những người biểu tình, chứ không phải đáp trả mục đích mà họ đang tranh đấu. Hoạt động của trường không thể bị gián đoạn vô thời hạn bởi những người vi phạm luật pháp”, đại diện ĐH Columbia cho biết. Trước đó, người biểu tình đã chiếm giữ Hội trường Hamilton trong suốt 20 giờ.

Trong khi đó, nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra giữa các nhóm biểu tình, cũng như giữa người biểu tình với cảnh sát chống bạo động. AP cho hay, cảnh sát đã càn quét khuôn viên các trường ĐH trên khắp nước Mỹ trong hai tuần qua, dẫn đến hơn 1.000 vụ bắt giữ. Theo Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby, việc sinh viên chiếm giữ khuôn viên trường ĐH là “cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm” và “không phải là một ví dụ về biểu tình ôn hòa”.

leftcenterrightdel
Cảnh sát bao vây Hội trường Hamilton của Đại học Columbia, TP New York (Mỹ), nơi người biểu tình chiếm giữ, đêm 30-4. Ảnh: Reuters 

Các cuộc biểu tình sinh viên đã lan ra nhiều trường ĐH trên khắp nước Mỹ, khởi đầu từ ĐH Columbia ở New York, nhằm phản đối các cuộc tấn công khốc liệt của Israel vào Gaza khiến hơn 34.000 dân thường thiệt mạng, đa số trong đó là phụ nữ và trẻ em. Nhiều sinh viên Mỹ coi đây là một phong trào ôn hòa nhằm phản đối chiến tranh, bảo vệ quyền được sống của người dân Palestine.

Tại khuôn viên ĐH Columbia, người biểu tình lần đầu tiên dựng lều từ hai tuần trước. Đáp lại, lãnh đạo trường yêu cầu cảnh sát đến dẹp biểu tình vào ngày hôm sau và bắt giữ hơn 100 người. Sự việc đã truyền cảm hứng cho một làn sóng dựng lều biểu tình tương tự tại các trường ĐH khắp nước Mỹ, như ĐH Nam California ở bang California, ĐH Emory ở bang Georgia, ĐH Emerson ở bang Massachusetts, ĐH George Washington ở Washington D.C... Bên cạnh việc phản đối chiến tranh, kêu gọi ngừng bắn, chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, người biểu tình còn yêu cầu các trường đại học thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí của Israel và Mỹ.

CNN nhận định, các cuộc biểu tình sinh viên đang phơi bày sự chia rẽ về hệ tư tưởng cũng như các trào lưu chính trị mới của đất nước. Nước Mỹ đã sẵn sàng đối mặt với một cựu Tổng thống-và có thể là Tổng thống tương lai-đang bị xét xử trong một vụ án hình sự. Trong trường hợp biểu tình kéo dài, chúng có thể làm trầm trọng thêm một mùa tranh cử, khiến cử tri Mỹ “thêm ghẻ lạnh với nền chính trị quốc gia”.

Các cuộc biểu tình lan rộng toàn quốc cũng nêu bật những gì có thể là một khoảnh khắc lịch sử khi những người Mỹ trẻ tuổi, tiến bộ ủng hộ chính nghĩa của người Palestine hơn bao giờ hết, gây ra những áp lực chính trị có thể thách thức sự ủng hộ lâu dài của lưỡng đảng đối với Israel. Tuy nhiên, họ cũng góp phần tạo nên làn sóng chủ nghĩa bài Do Thái trong xã hội Mỹ, khiến nhiều người Mỹ gốc Do Thái cảm thấy bị đe dọa tại chính đất nước mình, CNN bình luận.

Biểu tình cũng tạo ra một thách thức mới đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông tìm cách tái tranh cử, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza “xé nát những rạn nứt sâu sắc” trong liên minh tranh cử khá mong manh của ông Joe Biden. Biểu tình lan rộng cho thấy Tổng thống Joe Biden cần phải ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Rafah ở Gaza, mà nếu diễn ra, nó có thể tàn sát người dân vô tội và khiến phong trào biểu tình tại Mỹ diễn biến căng thẳng hơn. Khi đó, khó ai lường được những hậu quả chính trị trong nội bộ chính trường nước Mỹ.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình sinh viên lại giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump “vẽ lên một bức tranh đen tối về một quốc gia đang chìm trong bất ổn”. Trong một phát biểu gần đây, ông Donald Trump đã đổ lỗi cho Tổng thống đương nhiệm về các cuộc biểu tình, rằng ông Joe Biden cần phải làm gì đó “để ngăn chặn chủ nghĩa bài Do Thái đang tràn ngập nước Mỹ hiện nay”, rằng dường như chính đương kim Tổng thống cũng “chẳng có tiếng nói đáng kể nào” trong sự việc này.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.