QĐND Online – Nếu là công chức Nga, khi đi công tác và được nhận quà trên 100USD thì phải trả lại hoặc mua lại, nếu không, sẽ bị xét xử tội nhận hối lộ. Dịch cúm H7N9 và H5N1 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành Trung Quốc. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới phản đối Trung Quốc áp đặt các quy định mới về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông...là những thông tin nhận được sự quan tâm của độc giả trong tuần qua.
 |
Người biểu tình Thái Lan tại thủ đô Bangkok. Ảnh: AP |
1. Tình hình Thái Lan chưa có dấu hiệu giảm nhiệt do những căng thẳng liên quan tới việc phe chống Chính phủ tiếp tục tổ chức biểu tình lớn ở Bangkok. Trong một động thái mới nhất, ngày 16-1, thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban đã thách thức chính quyền Thái Lan thực hiện lệnh bắt giữ ông, khi tuyên bố đã sẵn sàng mời cảnh sát thực hiện. Ông Suthep tuyên bố: "Người biểu tình sẽ chiến đấu đến cùng, họ sẽ không thương lượng và không nhân nhượng". Trước đó, trong cuộc họp với Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Adul Saengsingkaew, Phó thủ tướng tạm quyền Surapong Tovichakchaikul tuyên bố nhiệm vụ của cảnh sát là bắt giữ khẩn cấp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban do ông này đang bị truy nã vì tội nổi dậy.
Giới chức Thái Lan nhận định chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" của người biểu tình dường như đang mất dần động lực với một số lượng khiêm tốn người biểu tình trên các đường phố. Ước tính lượng người biểu tình trên các tuyến phố ở Bangkok vào sáng 16-1 chỉ còn lại chưa đầy 1/3 so với mấy ngày trước. Chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày, với mục tiêu chính là ngăn cản cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 tới.
 |
Cảnh sát Thái Lan lập các chố để bảo đảm trật tự. Ảnh: Reuters |
Để đảm bảo an ninh, tránh xảy ra bạo lực, Cảnh sát thủ đô đã lập chốt tuần tra tại các điểm biểu tình. Quân đội cũng đã được điều động để duy trì an ninh trật tự, đồng thời trợ giúp về y tế.
Thủ tướng tam quyền Yingluck khẳng định, sẽ tiếp tục tại vị. Ngày 14-1, bà Yingluck Shinawatra đã một lần nữa bác bỏ yêu sách của người biểu tình đòi bà từ chức. Ngày 17-1, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawtra cho biết, cách tốt nhất để những người biểu tình hạ bệ Chính phủ của bà là không bỏ phiếu cho Chính phủ trong cuộc bầu cử vào ngày 2-2 tới.
Trong một diễn biến khác, Cảnh sát Thái Lan cho biết, ngày 14-1, một tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển nhà riêng của Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, nhưng không có ai bị thương.
2. Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho biết, đã phát triển một công nghệ bí mật có thể do thám các máy tính thông qua tín hiệu sóng vô tuyến; đồng thời thu thập thông tin ngay cả khi những thiết bị này hoạt động ngoại tuyến. Đây là tiết lộ mới nhất liên quan đến các hoạt động do thám của NSA được đăng tải trên tờ “New York Times” số ra ngày 15-1. Báo trên cũng dẫn lời các quan chức và trích nguồn tài liệu cho biết NSA đã sử dụng những kỹ thuật trên nhằm vào các mạng lưới máy tính của quân đội Nga, Trung Quốc, cảnh sát Mexico, các băng đảng ma túy, các tổ chức thương mại trong Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí cả các đối tác chống khủng bố như Saudi Arabia, Ấn Độ và Pakistan.
 |
Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách do thám. Ảnh: Newyorktimes |
Liên quan tới hoạt động của NSA, ngày 17-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu về những đề xuất cải tổ và thay đổi các chương trình do thám của NSA. Trong bài phát biểu dài 43 phút tại Bộ Tư pháp Mỹ, Tổng thống Obama thông báo một loạt những thay đổi, bao gồm chấm dứt gần hết hoạt động theo dõi các nước đồng minh hoặc có quan hệ mật thiết với Mỹ và tiến hành giám sát tư pháp việc chính phủ thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định các cơ quan tình báo Mỹ sẽ chỉ sử dụng những dữ liệu thu thập được từ các cuộc gọi để phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố cũng như các hoạt động chống tội phạm.
Cũng về chủ đề do thám tình báo, tờ "Sueddeutsche Zeitung" (Đức) ngày 15-1 đưa tin từ nhiều tháng qua, Đức đã chủ trì cuộc đàm phán bí mật trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng một thỏa thuận “không do thám” giữa các quốc gia thành viên. Báo trên nêu rõ, sau các tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về thông tin Washington do thám nhiều nước và đời tư một số nhà lãnh đạo trên thế giới, Đức đã đàm phán với các nước thành viên EU về một thỏa thuận không do thám của châu Âu. Đức thành công trong đàm phán với EU về lĩnh vực trên nhưng nhiều khả năng Mỹ và Đức sẽ không thể ký được thoả thuận không do thám lẫn nhau.
3. Cuộc chiến kéo dài suốt bốn năm qua xung quanh việc thông qua ngân sách chi tiêu của Chính phủ liên bang Mỹ ngày 16-1 đã tạm thời kết thúc sau khi Thượng viện bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật chuẩn chi ngân sách tài khóa 2014. Theo đó, kế hoạch chuẩn chi ngân sách 1.112 tỷ USD cho tài khóa 2014. Trước đó, ngày 15-1, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch chuẩn chi ngân sách chi tiết cho các bộ ngành trong tài khóa 2014. Theo dự luật trên, sẽ dành 491,8 tỷ USD cho các bộ, ngành và 520,5 tỷ USD cho quốc phòng.
 |
Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch chuẩn chi ngân sách. Ảnh: AP
|
Liên quan tới nước Mỹ, Tòa án Tối cao Mỹ đang xem xét lại điều khoản của Hiến pháp về việc trao cho tổng thống quyền bổ nhiệm thẳng các thẩm phán và quan chức cấp cao Chính phủ trong thời gian Quốc hội đang trong kỳ nghỉ. Trong trường hợp tòa ra phán quyết thu hẹp quyền bổ nhiệm của tổng thống, hoạt động trong hai năm cuối nhiệm kỳ của chính quyền của Tổng thống Obama sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, Tòa án Tối cao sẽ ra quyết định về vấn đề này vào cuối tháng 6-2014.
4. Theo thông báo mới nhất từ giới chức y tế Trung Quốc, trong ngày 16-1, Trung Quốc ghi nhận thêm 3 trường hợp mới nhiễm virút cúm gia cầm H7N9 tại tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Như vậy, tính trong 10 tháng qua ở Trung Quốc Đại lục đã có khoảng 150 người nhiễm cúm H7N9, trong đó gần 50 trường hợp đã tử vong.
 |
Học sinh được học cách phòng tránh cúm. Ảnh: xinhua |
Giới chức y tế Trung Quốc cảnh báo, hiện nay đang là cao điểm mùa Đông nên nguy cơ dịch cúm lây lan rộng là rất lớn. Không chỉ có hai tỉnh vừa nêu tên, các ca nhiễm H7N9 ở người cũng đã được ghi nhận tại các tỉnh khác như Giang Tô, Chiết Giang, thành phố Thượng Hải... Ngoài H7N9, Trung Quốc cũng xác nhận bùng phát cúm gia cầm H5N1. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) ngày 13-1 thông báo cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc, Quý Châu, Chiết Giang.
5. Tình hình tại Syria đang có biến chuyển khi Mỹ tuyên bố loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Phát biểu tại thủ đô Paris (Pháp) khi kết thúc cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Đặc phái viên chung về Syria của LHQ và Liên đoàn Arab, Lakhdar Brahimi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh cần sớm chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu tại Syria bằng biện pháp đối thoại hòa bình và không được tính đến khả năng can thiệp quân sự. Thêm một dấu hiệu tốt cho Syria khi tại Hội nghị tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ hai diễn ra ở Kuwait ngày 15-1, các nhà tài trợ đã cam kết gần 1,3 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc nội chiến dai dẳng gần ba năm nay tại Syria.
 |
Vẫn còn nhiều điểm giao tranh ở Alepo. Ảnh: Alarabyyia. |
Trong khi đó, giao tranh tại Syria tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực và gây thương vong lớn. Quân đội Syria hôm 13-1 cho biết, đã giành lại quyền kiểm soát 5 thị trấn ở miền Đông thành phố đông dân Aleppo; đồng thời củng cố an ninh cho các khu vực xung quanh sân bay quốc tế ở thành phố miền Bắc Syria này.
6. Ngày 16-1, đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đã đáp lại một cách tích cực lời kêu gọi của Thủ tướng Hun Xen, lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, về việc tổ chức đối thoại giữa CNRP và CPP để giải quyết các bất đồng hậu bầu cử. Tuy nhiên, cả CPP và CNRP đều chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho chương trình gặp gỡ giữa hai bên.
 |
Thủ tướng Hun Sen (bên trái) và ông Sam Rainsy. Ảnh: telegraph.co.uk
|
Trước đó, ngày 15-1, Thủ tướng Campuchia Hun Xen kêu gọi CNRP chấm dứt tẩy chay Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh cánh cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc đối thoại với phe đối lập để giải quyết tranh cãi hậu bầu cử. Người phát ngôn CNRP Yem Ponharith nhận định đề nghị của Thủ tướng là một bước tích cực hướng tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp hậu bầu cử.
Liên quan tới hai đảng trên, sáng 14-1, Chủ tịch CNRP, ông Sam Rainsy và Phó chủ tịch đảng này, Kem Sokha cùng lãnh đạo công đoàn độc lập Campuchia Rong Khu đã lần lượt ra hầu tòa để trả lời về những các buộc kích động bạo lực, ảnh hưởng đến an ninh xã hội bắt nguồn từ các cuộc biểu tình do CNRP và công nhân tổ chức hồi đầu tháng.
7. Giới chức Mỹ muốn xóa bỏ đạo luật can thiệp quân sự vào Iraq. Ý định này bộc lộ rõ khi ngày 14-1, một số nghị sĩ Mỹ đã đề xuất xóa bỏ đạo luật "Quyền sử dụng lực lượng quân sự " (AUMF) đối với Iraq nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự vào quốc gia Vùng Vịnh này trong tương lai. Đề xuất trên ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng và đa số nghị sĩ Quốc hội.
 |
Rất nhiều nơi ở Iraq giờ chỉ còn đổ nát. Ảnh: Presstv.ir |
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Caitlin Hayden cho biết, Nhà Trắng ủng hộ việc thu hồi AUMF đối với Iraq bởi đạo luật này không còn cần thiết trong các hoạt động của Chính phủ Mỹ trong tương lai. Nguyên nhân các nghị sĩ Mỹ đưa ra “đề nghị” trên là bởi, trong thời gian qua, đặc biệt là mấy tháng gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ tấn công bạo lực nhằm vào Iraq khiến hàng nghìn người bị chết và bị thương.
 |
Máy bay và tàu Nhật Bản trong cuộc tập trận chung với Ấn Độ |
8. Ngày 14-1, các lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành tập trận chung thường niên mang mật danh “Sahayog-Kaijin 2014”, với các nội dung diễn tập đổ bộ, chống cướp biển, hoạt động cấp cứu và chữa cháy. Cuộc tập trận lần này diễn ra cách bờ biển Kochi, thuộc bang Kerala của Ấn Độ 20 hải lý với sự tham gia của tàu bảo vệ bờ biển Samrat và hai máy bay lên thẳng của Ấn Độ, tàu bảo vệ bờ biển Mizhuho và một máy bay lên thẳng của Nhật Bản.
 |
Máy bay vận tải hạng nặng MV-22 Osprey. Ảnh: commons.com
|
Cùng trong thời gian này, ngày 14-1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thông báo, Nhật Bản và Mỹ sẽ tiến hành cuộc diễn tập chung phòng chống thảm họa ở vùng biển Tây-Nam Nhật Bản vào tháng Hai tới. Dự kiến, máy bay vận tải hạng nặng MV-22 Osprey sẽ tham gia cuộc diễn tập này. Cuộc diễn tập này giúp đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
9. Nhiều nước quan ngại về những động thái của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Gần một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên án việc Trung Quốc áp đặt các quy định mới về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông, ngày 14-1, Quốc hội Mỹ tổ chức phiên điều trần về động thái nói trên đồng thời đánh giá việc Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) gần đây.
 |
Hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông. Ảnh: Tuoitre |
Ngày 12-1, Nhật Bản cũng đã lên án việc Trung Quốc áp đặt các quy định mới về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông; đồng thời khẳng định, sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh hải sau hành động xâm phạm mới nhất của tàu thuyền Trung Quốc. Phát biểu tại buổi thị sát tập trận của lữ đoàn không quân tinh nhuệ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản về khả năng bảo vệ và tái chiếm đảo xa, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho rằng, quy định mới của Trung Quốc về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông và việc nước này thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) ở biển Hoa Đông đang gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Trước đó, các quy định mới về đánh bắt cá do cơ quan lập pháp tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông qua tháng 11-2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 cũng vấp phải sự phản đối của Philippines.
11. Chính phủ Nga vừa ban hành nghị định cấm quan chức nước này nhận những món quà đắt tiền. Theo quyết định của Chính phủ Nga, công chức được tặng quà phải thông báo cho một ủy ban đặc biệt trong vòng 3 ngày sau khi nhận quà. Một cơ quan nhà nước được ủy quyền sẽ định giá món quà, nếu món quà trị giá dưới 3.000 rúp (khoảng 100 USD) thì được trả lại cho người được tặng, nếu đắt hơn thì được đem bán và số tiền thu được sẽ chuyển vào kho bạc. Tuy nhiên, người được tặng quà vẫn được quyền ưu tiên mua lại món quà nếu thích. Như vậy có nghĩa, nếu biển thủ quà có giá trên 100 USD sẽ bị định tội như nhận hối lộ.
 |
Công chức Nga nếu biển thủ quà có giá trên 100 USD sẽ bị định tội như nhận hối lộ. Ảnh: irnvsa.ru
|
Ý tưởng kiểm soát các quan chức Chính phủ Nga nhận quà tặng xuất phát từ kinh nghiệm của nước ngoài. Quan chức Anh không được nhận quà tặng giá trị lớn hơn 250 USD; tại Canada, công chức không được nhận quà tặng bằng tiền mặt và nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự; tại Trung Quốc đã lập danh sách các quà tặng không được phép, vi phạm danh sách này được coi là hối lộ và nhận hối lộ, vi phạm, cao nhất sẽ bị tử hình; tại Mỹ các quan chức chính phủ liên bang phải khai báo và nộp vào kho bạc những quà tặng từ nước ngoài nếu giá trị vượt quá 305 USD.
NGUYỄN HÒA (Tổng hợp)